Kim ngạch xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam tăng vọt trong năm 2023

Dữ liệu mới được Tổng cục Hải quan công bố tính chung cả năm 2023, kết quả xuất khẩu gạo vẫn đạt con số ấn tượng hơn 8,1 triệu tấn, kim ngạch gần 4,7 tỷ USD.
1-2-1705067556.jpeg
Kim ngạch xuất khẩu ngành hàng lúa gạo cao kỷ lục trong năm 2023. Ảnh minh họa

Theo dữ liệu từ Tổng Cục hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam đạt gần 4,7tỷ USD, tăng 35% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng gấp hơn 10 lần, còn sang Singapore và Ghana tăng lần lượt khoảng 40% và 60%.

Về sản lượng, Việt Nam hiện là nước sản xuất gạo lớn thứ 5 thế giới và là nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới. Bất chấp thời tiết nóng và mưa ít tại nhiều quốc gia châu Á do hiện tượng El Nino, sản lượng gạo của các nước xuất khẩu như Việt Nam và Thái Lan vẫn tăng.

Về thị trường, Philippines dẫn đầu với hơn 3,13 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,75 tỷ USD, giảm gần 80 nghìn tấn so với năm 2022, nhưng kim ngạch tăng 17,57%. Như vậy, riêng thị trường Philippines chiếm tới 38,64% lượng gạo xuất khẩu của nước ta trong năm 2023.

Đứng thứ hai là Indonesia với hơn 1,16 triệu tấn, kim ngạch 640 triệu USD. Đáng chú ý, lượng gạo xuất khẩu sang Indonesia gấp gần 10 lần so với năm 2022 trong khi kim ngạch gấp gần 11 lần. Đây là thị trường xuất khẩu gạo có tăng trưởng ấn tượng nhất. Năm ngoái, quốc gia Đông Nam Á này chiếm 14,32% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Trung Quốc đứng thứ ba với hơn 917 nghìn tấn (chiếm 11,32% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2023), kim ngạch gần 531 triệu USD. So với năm 2022, lượng gạo xuất khẩu sang nước láng giềng này tăng 7,8%, trong khi kim ngạch tăng 22,74%.

Với kim ngạch tăng trưởng cao hơn so với lượng nên dễ dàng nhận thấy trị giá bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu của cả nước cũng như ở các thị trường chủ lực đều đạt tăng trưởng cao so với năm 2022. Từ đó cho thấy, xuất khẩu gạo năm 2023 là một năm đầy thành công khi tăng trưởng ở cả 3 tiêu chí (lượng, kim ngạch, trị giá bình quần).

Theo các chuyên gia phân tích, cầu tăng trong khi cung chưa có dấu hiệu cải thiện sẽ tiếp tục là “cửa sáng” cho các quốc gia xuất khẩu gạo. Bởi thực tế năm 2023 ngay khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo thì Thái Lan và Việt Nam - hai quốc gia chiếm thị phần lớn trên thị trường đã “hưởng lợi”. Do vậy, năm 2024 sẽ tiếp tục là cơ hội cho các quốc gia chiếm thị phần lớn trên thế giới như Việt Nam. Đặc biệt, các chuyên gia cũng dự báo rằng, giá gạo thế giới vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao vào năm 2024 và người bán vẫn chiếm lợi thế trong quyết định về giá.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tận dụng được lợi thế xuất khẩu, trước hết, việc vận hành bền vững chuỗi sản xuất cần được ưu tiên. Xuất khẩu lúa gạo hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh cao, nguồn cung không ổn định và biến đổi khí hậu… Thực tế mới đòi hỏi ngành hàng quan trọng này cần có chiến lược xoay chuyển để hình thành một hướng đi mới bền vững và thịnh vượng hơn.

Nhằm hướng tới mục tiêu này, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Mục tiêu chung của Đề án là hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu héc-ta./.

Hương Lan