Kim ngạch thương mại của Malaysia đạt gần 50 tỷ USD trong tháng 1/2022

Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (Ma-lai-xi-a) cho biết, trong tháng 1/2022, kim ngạch thương mại của nước này đạt 203,05 tỷ RM (48,6 tỷ USD), tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng 23,5% lên 110,73 tỷ RM, nhập khẩu tăng 26,4% lên 92,32 tỷ RM và thặng dư thương mại tăng 10,9% lên 18,4 tỷ RM.

Xuất khẩu của Malaysia tăng trưởng nhờ nhu cầu toàn cầu gia tăng và chủ yếu đối với các sản phẩm điện và điện tử (E&E), dầu cọ và các sản phẩm dầu cọ.

So với tháng 12/2021, tổng kim ngạch thương mại, xuất khẩu, nhập khẩu và xuất siêu lần lượt giảm 6,3%, 10,6%, 0,6% và 40,6% do yếu tố mùa vụ sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoài, tất cả các lĩnh vực chủ chốt đều ghi nhận mức tăng trưởng hai con số, nhờ xuất khẩu của hầu hết các sản phẩm chủ lực tăng.

Xuất khẩu hàng hóa sản xuất, chiếm 85,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,3% lên 94,67 tỷ RM, ghi nhận mức tăng trưởng hai con số tháng thứ sáu liên tiếp kể từ tháng 8/2021.

Các nhà sản xuất sản phẩm E&E gồm kim loại, sản phẩm dầu mỏ, hóa chất và các sản phẩm hóa chất, các sản phẩm dầu cọ cũng như máy móc, thiết bị đều có kim ngạch tăng hơn 1 tỷ RM. Xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp (chiếm 7,9% thị phần) tăng 75,6% lên 8,77 tỷ RM, tăng trưởng hai con số tháng thứ 11 liên tiếp kể từ tháng 3/2021, nhờ sự gia tăng xuất khẩu dầu cọ và các sản phẩm dầu cọ. Xuất khẩu hàng hóa khai khoáng (6,2% thị phần) tăng 38,4% lên 6,82 tỷ RM, tăng trưởng hai con số tháng thứ 10 liên tiếp kể từ tháng 4/2021, nhờ sự gia tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Về các mặt hàng xuất khẩu chính, so với cùng kỳ năm ngoái, các sản phẩm E&E có trị giá 44,77 tỷ RM, chiếm 40,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 22,1%; dầu cọ và các sản phẩm dầu cọ là 6,90 tỷ RM, chiếm 6,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 107,1%; các sản phẩm dầu mỏ, là 6,35 tỷ RM, chiếm 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 39,2%; hóa chất và sản phẩm hóa chất là 6,19 tỷ RM, chiếm 5,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 31,6%; sản xuất kim loại là 5,71 tỷ RM, chiếm 5,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 53,9%. Tuy nhiên, so với tháng 12/2021, xuất khẩu hàng hóa sản xuất, nông nghiệp và khai khoáng lần lượt giảm 10,1%, 20,8% và 2,7%.

122539-ty-le-that-nghiep-cua-malaysia-cao-nhat-ke-tu-nam-1993-20210920103935-1645411582.jpeg
Một góc Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh minh hoạ

Xuất khẩu sang các đối tác thương mại lớn như ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đều ghi nhận mức tăng trưởng hai con số.

Kim ngạch thương mại với ASEAN, thị trường chiếm 25,7% tổng kim ngạch thương mại của Malaysia, tăng vọt 21,4% lên 52,23 tỷ RM so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng 19,5% lên 30,76 tỷ RM, chủ yếu do sự tăng mạnh của xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ và các sản phẩm E&E. Nhập khẩu từ ASEAN tăng 24,2% lên 21,48 tỷ RM.

Kim ngạch thương mại với Trung Quốc, chiếm 19,7% tổng kim ngạch thương mại, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 39,99 tỷ RM và là tháng tăng trưởng hai con số thứ 14 liên tiếp. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 28,7% lên 16,88 tỷ RM, tăng tháng thứ 5 liên tiếp ở mức hai con số kể từ tháng 9/2021, nhờ xuất khẩu tăng mạnh đối với các sản phẩm E&E và LNG. Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 37,6% lên 23,12 tỷ RM.

Kim ngạch thương mại với Mỹ, chiếm 9,1% tổng kim ngạch thương mại, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 18,51 tỷ RM. Xuất khẩu tăng 17,7% lên 12,14 tỷ RM, tăng trưởng hai con số tháng thứ 6 liên tiếp kể từ tháng 8/2021.

Thương mại với EU, chiếm 8,1% tổng kim ngạch thương mại, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 16,46 tỷ RM, ghi nhận tăng trưởng hai con số tháng thứ 12 liên tiếp./.