Malaysia đang phải đối mặt với lạm phát và Chính phủ đang áp dụng các biện pháp để kiểm soát giá lương thực tăng cao. Alexander Nanta Linggi, Bộ trưởng Thương mại nội địa và các vấn đề tiêu dùng, chia sẻ, với xu hướng toàn cầu, "chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi lạm phát".
Chỉ số giá tiêu dùng của Malaysia đã tăng 3,2% vào tháng 12 năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu do giá thực phẩm và nhiên liệu tăng. Cục thống kê cho biết: "Lạm phát toàn quốc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2021 đã tăng đáng kể 2,5% so với mức âm 1,2% của cùng kỳ năm 2020."
Bộ trưởng Linggi cho biết, để tránh tình trạng tăng giá, Chính phủ đã thực hiện các hành động nhằm bình ổn giá đối với thực phẩm quan trọng như gạo và thịt, bằng cách trợ cấp và các hỗ trợ khác. Chính phủ muốn đảm bảo rằng mọi người có thể mua thực phẩm và nhu yếu phẩm với giá mà họ có thể chi trả. Tuần trước, Malaysia thông báo sẽ dành 680 triệu ringgit (khoảng 162 triệu USD) để đảm bảo bình ổn giá cho các mặt hàng thiết yếu.
Linggi chia sẻ, đại dịch đã thúc đẩy các vấn đề lạm phát của đất nước, "chúng tôi đã đối mặt với Covid hai năm vừa qua, chịu ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm", dẫn đến sự gián đoạn trong quá trình chế biến và sản xuất. Kết quả là, chi phí sản xuất, đặc biệt là đối với người chăn nuôi gà, tăng lên rất nhiều.
Bất chấp những lo ngại về lạm phát, Ngân hàng trung ương Malaysia vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1,75%. Ngân hàng trung ương cho biết: "Đối với năm 2022, lạm phát có thể sẽ duy trì ở mức vừa phải khi các tác nhân cơ bản từ lạm phát nhiên liệu được giải quyết. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào diễn biến giá hàng hóa toàn cầu trong bối cảnh rủi ro từ sự gián đoạn nguồn cung kéo dài."
Chính phủ đang làm việc với các bộ khác nhau để thực hiện các kế hoạch nhằm kiềm chế lạm phát.
Bộ trưởng Linggi cho biết, Bộ của ông đã đệ trình các chương trình giải pháp để đạt được các mục tiêu do Bộ Tài chính đề ra, nhằm giải quyết những nguyên nhân ảnh hưởng đến các khía cạnh tài chính của đất nước.