Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống 117 cống thủy lợi trên đê, góp phần kiểm soát mặn, giữ ngọt; nạo vét hơn 2.700 km kênh mương, 609 công trình thủy lợi nội đồng được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp; 1.252 trạm bơm; trong đó, 240 trạm bơm điện vừa và nhỏ được xây dựng mới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng tưới tiêu, kiểm soát lũ, ngăn mặn để sản xuất 2 vụ lúa/năm ổn định trên 3 vùng trọng điểm là Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng; trong đó có khoảng 90.000 ha sản xuất 3 vụ lúa/năm và trồng hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư hoàn thiện đồng bộ trong thời gian tới, đáp ứng sản xuất, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mặt khác, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giai đoạn 2008 - 2020, tỉnh đã đầu tư hơn 545 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 54 trạm cấp nước và 2 hồ chứa nước Dương Đông (Phú Quốc) và An Sơn (Kiên Hải) phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân, với tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 75,5% năm 2010 lên hơn 98% năm 2020.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết thêm, quy hoạch thủy lợi trên địa bàn tỉnh phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh có tính đến điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng định hướng đến năm 2030 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, với tổng vốn đầu tư hơn 19.530 tỷ đồng.
Theo đó, tỉnh thực hiện đầu tư các dự án, công trình trong quy hoạch này gồm: hệ thống hồ nước ở huyện đảo Kiên Hải và thành phố Phú Quốc, với 4 dự án là hồ chứa nước Bãi Nhà (Kiên Hải) đã thi công hoàn thiện đưa vào sử dụng; hồ chứa nước Bãi Cây Mến (Kiên Hải) đang thi công, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2022; nâng cấp hồ chứa nước Dương Đông (thành phố Phú Quốc) đang thi công, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2022; hồ chứa nước trên đảo Thổ Chu, xã Thổ Châu (thành phố Phú Quốc) đang chuẩn bị đầu tư, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tiếp đến, trong quy hoạch này, tỉnh đầu tư xây dựng mô hình các kênh, hồ trữ nước ngọt phục vụ việc trữ nước ngọt vùng U Minh Thượng; trong đó, dự án hồ chứa nước An Minh thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2021.
Dự án đầu tư xây dựng cống thủy lợi Kênh Cụt (thành phố Rạch Giá) thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2019; cống thủy lợi Sông Kiên (thành phố Rạch Giá) thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2017. Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng công trình kiểm soát mặn ven biển Tây, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn thành phố Rạch Giá với dự án cống Kênh Nhánh và huyện Châu Thành, với dự án cống rạch Tà Niên thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2020.
Cùng với đó, năm 2019, tỉnh được Trung ương đầu tư khởi công xây dựng công trình hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết nước Cái Lớn - Cái Bé, với tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng đã thi công hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào khai thác, vận hành, sử dụng năm 2021. Hệ thống thủy lợi này tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên trên diện tích tự nhiên 384.120 ha, phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng, giảm thiệt hại do hạn mặn vào mùa khô cho sản xuất trong vùng, góp phần cấp nước ngọt, phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé góp phần kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát Triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn chia sẻ, hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ phù hợp với điều kiện các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, lúa là cây trồng chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo đó, tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất trồng lúa, nâng diện tích đất canh tác lúa hiện nay lên 393.267 ha, tổng sản lượng lúa thu hoạch trên dưới 4,5 triệu tấn/năm.
Tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - tôm, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trên cùng đơn vị diện tích sản xuất, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu ở các huyện vùng U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành, nâng diện tích sản xuất mô hình tôm - lúa đạt 102.486 ha, góp phần nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh lên 270.950 ha hiện nay, tăng 201% so với năm 2008./.