Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là rất cao.
Các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc tăng mạnh. Cùng với thời tiết biến động bất lợi mưa, rét ở các tỉnh phía Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan.
Các địa phương cần khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục…
Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh.
Thời gian tới, nhu cầu vận chuyển thực phẩm tăng cao, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.
Địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Long đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt và bố trí kinh phí để tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022; cung ứng hóa chất bằng nguồn ngân sách của địa phương để chủ động xử lý môi trường tại các khu vực nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh.
Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 2.930 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 395 huyện của 58 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 266.100 con, tăng trên 3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Các ổ dịch xảy ra đều ở trên chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn sinh học, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư.
Nhiều ổ dịch tái phát từ ổ dịch cũ hoặc phát sinh tại các hộ tiếp giáp, gần khu vực chăn nuôi với các hộ đã xảy ra dịch bệnh trước đó. Từ đó, dịch bệnh lây lan sang các bản, xã, phường khác trong khu vực. Hiện nay, cả nước có 815 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi tại 204 huyện của 42 tỉnh, thành phố.
Về cúm gia cầm, hiện cả nước có 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ngãi và 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Bình Phước. Các ổ dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vaccine. Các địa phương đã phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng.
Tuy nhiên, thời gian tới nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 gia tăng là rất cao, khi các hộ chưa đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng. Trong khi đó, giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Cục Thú y cũng cảnh báo nguy cơ xuất hiện một số chủng virus như: A/H7N9, A/H5N2,... xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.
Về bệnh viêm da nổi cục, hiện cả nước đang có 58 ổ dịch tại 21 huyện của 10 tỉnh, thành phố. Từ đầu năm, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra 4.328 ổ dịch ở 456 huyện, 55 tỉnh, thành phố. Tổng số trâu, bò mắc bệnh gần 207.000 con; số trâu, bò bị chết, buộc tiêu hủy là 29.010 con.
Các địa phương cần đẩy mạnh viêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi bởi chi phí sử dụng vaccine rất thấp, khoảng 35.000 đồng/liều và rất hiệu quả so với giá trị của trâu, bò là rất lớn, trung bình trên 15 triệu đồng/con gia súc.
Cục Thú y cũng cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, không có báo cáo ổ dịch tai xanh mới phát sinh tại các địa phương. Bên cạnh đó, hiện cả nước không có dịch bệnh lở mồm long móng./.