Các địa phương tăng cường phòng dịch bệnh trên đàn gia súc

Tình hình dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành trên cả nước. Hiện các địa phương đang tập trung các giải pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và lan rộng ra các địa phương trong tỉnh Hà Nam. Dịch tái bùng phát trên địa bàn tỉnh Hà Nam từ giữa tháng 10/2021 tại thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục đến nay đã lây lan ra 16 xã, thị trấn; hơn 2.400 con lợn của 190 hộ chăn nuôi đã phải tiêu hủy.

Huyện Lý Nhân là địa phương có số lợn mắc tả châu Phi phải tiêu hủy nhiều nhất tỉnh. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 8 xã, gồm: Phú Phúc, Nguyên Lý, Nhân Nghĩa, Hợp Lý, Xuân Khê, Nhân Mỹ, Nhân Thịnh và Bắc Lý. Tổng số lợn đã tiêu hủy gần 1.400 con với trọng lượng hơn 73.800 kg.

Theo ông Trần Văn Niềm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lý Nhân, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Lý Nhân đang diễn biến phức tạp. Để khoanh vùng, dập dịch, trung tâm đã và đang tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó, tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn ốm, chết theo đúng kỹ thuật, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng trại, môi trường tại vùng có dịch; duy trì hoạt động của các chốt chống dịch để kiểm soát việc vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc ra, vào ổ dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các ổ dịch phát sinh để có biện pháp xử lý kịp thời.

1500863000000-1637196248.jpg
Ảnh minh họa

Tại huyện Bình Lục, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra các xã: Đồn Xá, Trung Lương, An Đổ, Đồng Du, Tiêu Động và thị trấn Bình Mỹ; gần 500 con lợn đã phải tiêu hủy. Tại thị xã Duy Tiên, có 2 xã đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi là Chuyên Ngoại và Tiên Ngoại với hơn 500 con lợn đã tiêu hủy.

Theo ông Đinh Huy Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam đã và đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương khẩn trương khoanh vùng, hạn chế sự lây lan của dịch; trong đó, tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh tiêu quy định; kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý nhanh các ổ dịch mới phát sinh. Các địa phương thống kê, phân loại tổng đàn lợn hiện có để quản lý chặt chẽ; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn giúp người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn.

Các ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại tỉnh Hà Nam đợt này phần lớn tại các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa. Điều này cho thấy việc phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi của các hộ còn hạn chế. Do vậy, cùng với các biện pháp triển khai của cấp, ngành chức năng, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại hộ. Đặc biệt, hệ thống chuồng trại cần được vệ sinh, khử trùng, tiêu độc định kỳ; khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khi có lợn ốm, chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường gây ô nhiễm và làm lây lan dịch bệnh; cẩn trọng trong quá trình tái, nhập đàn, lựa chọn con giống rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trong khi đó, tại tỉnh Trà Vinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh đang chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp cùng các địa phương tăng cường phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục ở đàn trâu, bò. Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, qua thực hiện lấy mẫu giám sát dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục tại các hộ chăn nuôi đã có đến trên 90% số mẫu dương tính với virus.

Cụ thể, trong 30 mẫu tại các hộ chăn nuôi heo tại huyện Châu Thành, Cầu kè, Cầu Ngang, Duyên Hải, kết quả xét nghiệm có 28 mẫu dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi; 21 mẫu bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò tại 8/9 huyện, thị xã, thành phố cho kết quả có 20 mẫu dương tính với virus bệnh viêm da nổi cục.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, tính đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đã xảy ra trên địa bàn 295 ấp, khóm ở 66 xã, phường, thị trấn của 8/9 huyện (huyện Tiểu Cần không có dịch bệnh) thị xã, thành phố, với số lượng 11.050 con; trong này có 700 con mắc bệnh chết được tiêu hủy.

Đối với dịch bệnh tả lợn châu Phi kể từ khi tái phát dịch trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 9/2021 đến nay đã xảy ra trên địa bàn 28 ấp, khóm ở 19 xã tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Duyên Hải và Cầu Ngang, với số lượng hơn 1.150 con mắc bệnh được tiêu hủy.

Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan diện rộng, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung thực hiện tiêm vaccine phòng trên đàn gia súc của hộ chăn nuôi trong tỉnh. Đến nay, số trâu, bò được tiêm ngừa bệnh viêm da nổi cục trên gần 210.000 con, chiếm hơn 96 tổng đàn trong diện tiêm của 58.674 hộ chăn nuôi. Cấp phát gần 3.000 lít thuốc khử trùng để tiêu độc khử trùng chuồng trại cho gần 52.000 lượt hộ chăn nuôi lợn tại 4 huyện: Càng Long, Cầu Kè, Duyên Hải và Cầu Ngang.

Cùng với tiêm ngừa, khử khuẩn, ngành nông nghiệp tỉnh còn tổ chức tuyên truyền hướng dẫn bằng nhiều hình thức cho người chăn nuôi về các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc vào tỉnh và giữa các địa phương trong tỉnh để kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh lây lan./.