Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, mặc cho Covid-19, thương mại điện tử vẫn là một trong số ít những ngành duy trì tăng trưởng đạt 16% và quy mô thị trường 13,7 tỉ đôla trong năm 2021. Thương mại điện tử Việt Nam được xếp thứ ba trong khu vực Đông Nam Á. Dự đoán đến năm 2025 quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 57 tỉ đôla.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng: "Cùng sự mở rộng của thị trường thì những hành vi vi phạm sẽ ngày càng đa dạng, càng nhiều. Thực tiễn đó đòi hỏi cơ quan quản lý cần có khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, có sự thay đổi phù hợp về pháp luật để bảo vệ được người tiêu dùng".
Trong khi đó, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, hàng năm Cục nhận được hơn 10.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại tố cáo các vấn đề liên quan đến tranh chấp kinh doanh, liên quan đến vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Số lượng các khiếu nại tố cáo liên quan đến kinh doanh trên không gian mạng tăng rất nhanh và chiếm thứ hai trong tổng số lượng đơn thư (chiếm 15,4%)…
Đại diện phía người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, chính sách bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam hiện nay khá toàn diện nhưng khiếu nại vẫn gia tăng, do các nguyên nhân: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ban hành cách đây 12 năm, trong khi tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi. Nhiều quy định của luật đã không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa được điều chỉnh.
Thêm nữa, trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã dành một chương riêng (Chương III) để nói về các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người dùng. Song nhiệm vụ, trách nhiệm được giao khá cụ thể và đầy đủ, nhưng quy định về quyền hạn cũng như nguồn lực để thực thi lại chưa được cụ thể,… Đây là những bất cập cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều luật-Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh.
Khẳng đinh quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng cũng cần được bảo vệ, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV kéo dài từ ngày 20-10 đến 15-11, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong đó dự thảo luật có chương 3 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù…
Nói về những điểm mới của dự án Luật này, ông Trịnh Anh Tuấn phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết, để có thể điều chỉnh kịp thời các loại hình kinh doanh, giao dịch mới với người tiêu dùng cũng như các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng mới có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế toàn cầu hóa, dự thảo đã bổ sung một chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù. Theo đó, giao dịch từ xa, bao gồm giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, là một trong 3 loại hình quan trọng thuộc giao dịch đặc thù.
Điểm đáng lưu ý là dự thảo đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Quy định trách nhiệm đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, tổ chức, cá nhân kinh doanh được xác định là nền tảng số lớn…
Dự thảo cũng đưa ra các quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như: cấm ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký sử dụng hoặc sử dụng nền tảng số trung gian khác như điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ; cấm sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số; cấm ngăn cản người tiêu dùng gỡ bỏ các phần mềm, ứng dụng cài đặt sẵn hoặc buộc người dùng cài đặt các phần mềm, ứng dụng kèm theo nền tảng trực tuyến.