Sửa đổi Luật để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn

Nhằm tiếp tục hoàn thiện, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến góp ý Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
luc-luong-quan-ly-thi-truon-1636553395.jpeg
Sửa đổi Luật để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. Ảnh minh hoạ.

Tại cuộc họp thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tổ chức tại Hà Nội ngày 10/11, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó cục Trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng – Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cho biết: Trong gần 10 năm thực thi Luật (2011-2021), việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đặt được một số kết qủa đáng kể, song vẫn còn nhiều hạn chế. Đồng thời, bản thân các quy định pháp luật đã bộc lộ một số quan điểm không còn phù hợp, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung và đòi hỏi thực tiễn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, trước bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, sự phát triển kinh tế đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, nhất là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số... Điều này dẫn đến việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập và một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã thực hiện thủ tục đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và đã được các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - Phó trưởng Ban thường trực Ban soạn thảo dự án Luật, trước bối cảnh mới, Bộ Công Thương đang dự thảo xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 chương và 73 điều.

Cụ thể, Bộ Công Thương bổ sung 1 chương mới là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; giữ nguyên, không sửa đổi 16 điều, sửa đổi 35 điều, bổ sung và thêm mới 22 điều, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước và đảm bảo hiệu quả hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Cùng với đó, việc sửa đổi còn giúp bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật phục vụ đắc lực cho việc thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh và bền vững tại Việt Nam. Hơn nữa, qua đây còn góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đề cập đến một số hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2011), góp ý sửa đổi luật mới, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: Luật mới phải phát huy rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phù hợp để thành lập và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra một số quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh – tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến mô hình kinh doanh có yếu tố mới, nhất là mô hình ứng dụng sự phát triển của thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng chia sẻ, kinh tế số.

Mặt khác, một số trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng của doanh nghiệp đã không còn phù hợp, đầy đủ do sự xuất hiện của nhóm người tiêu dùng mới hoặc hành vi tiêu dùng mới.

Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện cũng cần được bổ sung vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan. Những vấn đề này cần được xây dựng trọng tâm trong Luật mới khi được sửa đổi.

Theo đại diện Bộ Tư pháp, những quy định cũ còn chưa thực sự chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng, nhất là trong bối cảnh phát triển không ngừng của Internet càng làm gia tăng vai trò của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Hơn nữa, một số quy định còn thiếu tính linh hoạt, không cho phép tính toán đến hoàn cảnh, lĩnh vực kinh doanh đặc thù của từng loại thị trường; cơ chế tiếp nhận và giải quyết yêu cầu tại cơ quan nhà nước cần thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết và thiết thực của các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập. Các ý kiến đã cơ bản đồng thuận với nội dung được thể hiện trong Dự thảo; đồng thời gợi mở thêm nhiều vấn đề để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được hoàn thiện một cách hiệu quả và thiết thực, phù hợp với tình hình mới.

Chính vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bám sát các nội dung trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua để đưa ra quy định đầy đủ và là công cụ hiệu quả về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trên cơ sở kết quả của cuộc họp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập để đảm bảo chất lượng và tiến độ của Dự án Luật.

Theo Chương trình, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10 năm 2022 và thông qua tại kỳ họp tháng 5 năm 2023./.