Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Ma Cao: Cơ hội Kinh doanh và Đầu tư cho các Doanh nghiệp Việt Nam

Khu vực Vịnh Lớn (GBA) gồm 2 Đặc khu hành chính Hồng Kông, Ma Cao, và 9 thành phố của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) là Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Huệ Châu, Đông Hoản, Trung Sơn, Giang Môn và Triệu Khánh, với tổng diện tích 56.000 km2, dân số khoảng 86 triệu người, tổng sản lượng kinh tế năm 2021 tương đương khoảng 1,8 nghìn tỷ USD, tăng 19% so với năm 2017. Trong đó, Hồng Kông là một trung tâm tài chính, giao thông, thương mại và hàng không quốc tế của Khu vực Vịnh Lớn, cũng như toàn thế giới, là cổng kết nối quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập, tận dụng các cơ hội để đầu tư kinh doanh hiệu quả GBA.

Đó là thông tin của ông Ủy viên phát triển của GBA Tommy Yuen cho biết trong buổi hội thảo: “Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Macao: Cơ hội Kinh doanh và Đầu tư cho các Doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra ngày 27/10/2022 tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Về kinh doanh, Hồng Kông là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ bảy của Việt Nam, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu hàng hóa sang Hồng Kông. Năm 2020, sau 1 năm tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hồng Kông, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hồng Kông đạt 11,5 tỷ USD tăng 36,4% so với năm 2020”. 

"Năm 202, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 bên vẫn tiếp tục tăng cao 18%, trong đó Việt Nam xuất siêu sang Hồng Kông 10,4 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2020. Về đầu tư, Hồng Kông có trên 2.000 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trên 28,6 tỷ USD, đứng thứ 5/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam”,  ông Trần Ngọc Liêm, cho biết thêm.

1-1666947810.jpg
2-1666947839.jpg
Hội thảo: “Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Ma Cao: Cơ hội Kinh doanh và Đầu tư cho các Doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra ngày 27/10/2022 tại TP. Hồ Chí Minh.

Về đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Hồng Kông còn rất khiêm tốn, với chỉ có 26 dự án với tổng số vốn đầu tư 48,5 triệu USD. Do vậy, các thông tin các diễn giả tới từ Hồng Kông chia sẻ tại hội thảo rất quan trọng, góp phần thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường đầy tiềm năng và có nhiều cơ hội rất lớn này.

Hiện nay, Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh và mạnh mẽ nhất trong khu vực, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu, trung tâm kinh tế của Việt Nam, có trên 300.000 doanh nghiệp, chiếm 31,7% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trong số này là các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp lớn, có tiềm lực vững chắc. Bên cạnh phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế chung cả nước, nhiều doanh nghiệp còn mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư ra nước ngoài. Theo nhận định của Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 500 triệu USD chuyển ra khỏi Việt Nam để thực hiện các dự án đầu tư ở nước ngoài. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài gần 400 triệu USD. Lũy kế đến ngày 20/7/2022, Việt Nam có 1.576 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 21,57 tỷ USD. 

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) của doanh nghiệp Việt Nam nhiều năm qua còn mang tính tự phát, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng: số lượng và quy mô các dự án còn nhỏ so với các nước có điều kiện tương tự; nhiều doanh nghiệp ĐTRNN gặp nhiều khó khăn mà không có sự hỗ trợ từ các cấp có thẩm quyền. Nguyên nhân quan trọng nhất tác động toàn diện đến các hoạt động ĐTRNN, đó là các cấp quản lý nhà nước có thẩm quyền, và xã hội chưa coi trọng vai trò của ĐTRNN đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

Hoạt động ĐTRNN không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp đầu tư mà còn nhiều tác động đối với quốc gia như giúp củng cố vai trò chính trị và vị thế kinh tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, giúp nền kinh tế Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; thông qua hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Việt Nam có thêm nguồn nguyên - nhiên liệu phục vụ cho sự phát triển kinh tế trong nước. ĐTRNN thành công sẽ tác động ngược lại nền kinh tế trong nước theo hướng thúc đẩy công cuộc cải tổ nền kinh tế: về thể chế chính sách, về thuế, về thủ tục hành chính, về hệ thống thông tin đối ngoại, về chính sách điều hành vĩ mô. ĐTRNN còn góp phần tạo đội ngũ thương nhân năng động, có kinh nghiệm kinh doanh quốc tế, góp phần tăng cường năng lực quốc gia.

Ủy viên phát triển của GBA - Ông Tommy Yuen cho biết: “Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao (hay còn gọi là GBA). Việc phát triển GBA không chỉ là một chiến lược phát triển quốc gia quan trọng trong việc Trung Quốc liên tục theo đuổi công cuộc cải cách và mở cửa trong Kỷ nguyên mới, nó còn là một bước tiến xa hơn để hoàn thiện thêm chính sách “Một quốc gia, hai hệ thống”. Thông qua các đột phá về chính sách nhằm tăng cường hợp tác giữa Quảng Đông, Hồng Kông và Ma Cao, mục tiêu là tận dụng lợi thế bổ sung của ba nơi để phối hợp thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nên một vùng vịnh đẳng cấp thế giới để sinh sống, làm việc và du lịch”.

“Với sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ ở cả cấp quốc gia và địa phương và tiềm năng phát triển to lớn, GBA sẽ vẫn là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong thập kỷ tới và hơn thế nữa”, ông Tommy Yuen nhấn mạnh.

Hội thảo diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh là khởi đầu quan trọng cho việc cung cấp thông tin về các cơ hội kinh doanh và đầu tư tại GBA trên nhiều lĩnh vực khác nhau, cũng như cách thức tận dụng vị trí cửa ngõ chiến lược dẫn vào GBA của Hồng Kông để nắm bắt các cơ hội thị trường trong khu vực đang phát triển nhanh chóng này. Đồng thời, hội thảo là một phần trong nỗ lực không ngừng của Singapore ETO nhằm thúc đẩy Hồng Kông trở thành cửa ngõ lý tưởng vào GBA cho các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam.                                                                     

Đạm Quang Lê