Ngày 13/12, đại diện Bộ Công Thương thông tin trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ hợp pháp các ngành sản xuất trong nước.
Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 30 vụ việc phòng vệ thương mại, đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu; hiện có 16 biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực. Năm 2024, Bộ Công Thương tiếp tục điều tra, rà soát 07 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 03 vụ việc mới, khởi xướng rà soát 03 vụ việc rà soát cuối kỳ; tiếp nhận và xử lý 07 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng vệ thương mại để ứng phó với các vụ việc do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Cũng theo thống kê, đến nay đã có 270 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (148 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (54 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (38 vụ việc) và chống trợ cấp (30 vụ việc).
Để thông tin kịp thời về thị trường, trong tháng 11/2024, đơn vị đã phát hành 04 số bản tin phòng vệ thương mại và cảnh báo sớm hàng tuần, 01 số bản tin giấy phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng thường xuyên thông tin về phòng vệ thương mại qua mục điểm tin hàng ngày; hoàn thiện trang thông tin điện tử bằng tiếng Anh nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác quản lý Nhà nước về phòng vệ thương mại, thường xuyên đăng tải bản tin cảnh báo sớm, cập nhật danh mục cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại và lẩn tránh thuế trên trang điện tử nhằm kịp thời cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ quan, tổ chức liên quan.
"Bộ Công Thương đã kịp thời hoàn tất điều tra một số vụ việc phòng vệ khởi xướng từ năm 2023 và rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ đòi hỏi xử lý trong năm 2024. Cùng sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, Bộ đã hỗ trợ trong việc cung cấp thông tin hướng dẫn trả lời bản câu hỏi; nghiên cứu lập luận tại các giai đoạn cụ thể của từng vụ việc; đồng thời, nghiên cứu các kết luận và gửi thư tham vấn với cơ quan điều tra nước ngoài", Báo cáo của Bộ Công Thương nêu./.