Khởi động mùa lễ hội 2023

Nhìn lại ba năm ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều lễ hội lớn phải tạm hoãn. Tết Nguyên đán Quý Mão tới gần, nhiều địa phương rục rịch khởi động các lễ hội hứa hẹn mùa lễ hội rộn ràng trở lại.

Huyện Đông Anh (Hà Nội) chuẩn bị cho hai lễ hội lớn là lễ hội đền Cổ Loa và lễ hội đền Sái, cùng hơn 90 lễ hội ở các làng, xã… Bà Nguyễn Thu Vân, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Đông Anh khẳng định, huyện Đông Anh có văn bản chỉ đạo việc tổ chức lễ hội ở các xã, thôn.

“Sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, BTC các lễ hội trên địa bàn huyện lường trước số người đổ về tham dự lễ hội rất đông. Huyện đã chỉ đạo giải phóng, di dời, xử lý vi phạm những lều quán, ki-ốt ven đường. Các đội liên ngành sẽ kiểm tra công tác tổng vệ sinh môi trường, văn minh đô thị từ tất cả các cửa ngõ của huyện về đến đường liên xã, liên thôn”, bà Nguyễn Thu Vân chia sẻ.

chua-huong-1672886218.jpg
Đông đảo du khách thập phương đổ về các lễ hội lớn là kịch bản được dự báo trước. (Ảnh: Trọng Tài)

Hội Gióng đền Sóc (Sóc Sơn) sáng mùng 6 tháng Giêng luôn là một trong những hội thu hút dư luận. Tinh thần khẩn trương, chủ động của ban tổ chức là yếu tố quan trọng để làm nên mùa lễ hội trọn vẹn, thành công, không để lại rủi ro đáng tiếc. Ông Đàm Thận Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích đền Sóc cho biết, công tác chuẩn bị cho hội Gióng đang được tiến hành gấp rút. “Lãnh đạo huyện đã quán triệt tinh thần đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân tham gia lễ hội, tránh tình trạng chen chúc nhau. Năm nay, các trò chơi dân gian, quầy hàng trưng bày nông phẩm sẽ trở lại”, ông Thắng chia sẻ.

Năm 2022 dù dừng tổ chức nhưng BQL vẫn mở cửa đền cho người dân vào dâng hương, làm lễ. Hội Gióng từng mang tiếng vì nạn tranh cướp lộc phản cảm, tuy nhiên đối với người dân địa phương những nghi thức đầu năm liên quan tới chuẩn bị lễ vật (hoa tre, cỏ voi, trầu cau, ngựa, voi...), rước lễ vật và nghi thức dâng lễ vật mới chứa đựng tính thiêng- những yếu tố để lễ hội trường tồn.

Bán vé điện tử ở chùa Hương. Sau ba mùa lễ hội gần như tê liệt vì COVID-19, lễ hội chùa Hương 2023 rục rịch trở lại. Chùa Hương là lễ hội kéo dài bậc nhất cả nước, năm nay diễn ra trong ba tháng từ 23/1-23/4/2023. Ngày khai hội mùng 6 tháng Giêng như thường lệ, tuy nhiên BTC mở cửa đón khách từ mùng Hai. Bà con xã Hương Sơn đang chuẩn bị thuyền, đò để chuẩn bị hạ thủy trong ít ngày tới.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng BQL khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, lễ hội chùa Hương 2023 có nhiều điểm mới. "Yêu cầu đổi mới hình thức các hoạt động trong lễ hội được đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu của bà con đi lễ, để người dân hiểu rõ giá trị lịch sử của di tích, ý nghĩa của lễ hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động dịch vụ du lịch và lễ hội. Chúng tôi đặt mục tiêu đẩy lùi hiện tượng tiêu cực phát sinh", ông Nguyễn Bá Hiển nói.

mua-1672886285.jpg
Người dân bất chấp mưa rét đổ về dâng hương và vãn cảnh chùa Hương dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022 (sau đó lễ hội đóng cửa do dịch bệnh). Ảnh: Trọng Tài

Huyện Mỹ Đức thành lập 7 tiểu ban, một trạm kiểm soát vé thắng cảnh, một tổ liên ngành để bảo đảm an ninh trật tự không gian lễ hội. “Mùa lễ hội này, chúng tôi thay đổi hình thức bán vé tham quan từ vé truyền thống sang vé điện tử. Chúng tôi sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé, bỏ việc bán vé tại hai cổng Tiên Mai và Đông Khê để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trẩy hội”, ông Hiển nêu.

Với nỗ lực đổi mới cách thức tổ chức lễ hội, BTC lễ hội chùa Hương 2023 thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về chùa Hương có thể thuận tiện tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của khu vực xã Hương Sơn. Tại không gian lễ hội, BTC cắt đặt các bộ phận hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, bố trí bàn ghi công đức, đặt hòm công đức đảm bảo thuận tiện, quản lý chặt chẽ các điểm kinh doanh dịch vụ, không đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội.

Liên quan tới các vấn nạn bấy lâu nay tại khu thắng cảnh Hương Sơn, ông Nguyễn Bá Hiển cho biết, BTC sẽ thường xuyên kiểm tra các hoạt động văn hóa, xử lý nghiêm vi phạm, phòng ngừa các tệ nạn xã hội như bói toán, bán thẻ, sách báo ngoài luồng, thuốc nam giả không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm…

Lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức giao cho UBND xã Hương Sơn phối hợp với BQL khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mặt bằng kinh doanh, trong đó “tuyệt đối không được bố trí các điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân của nhà thường trực, lòng đường đi động Hương Tích...”./.

Hôm nay họp báo Lễ hội đền Trần

Đại diện Ban tổ chức lễ hội đền Trần cho biết họp báo Lễ hội đền Trần được tổ chức vào chiều 5/1 tại TP. Nam Định. Trước đó, lễ hội đền Trần phải tạm dừng hoạt động ba năm (2020 - 2022) để phòng, chống dịch. Năm 2022, dù Lễ hội khai ấn đền Trần không được tổ chức, nhưng để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân, nhà đền vẫn phát ấn sau ngày 15 tháng Giêng tại khu riêng biệt trong khu di tích, bảo đảm an toàn phòng dịch. Ấn đền Trần chủ yếu được gửi theo đường bưu điện cho các tổ chức, cá nhân đã đăng ký từ trước.

GIA LINH

 

Ngăn chặn tiêu cực trong lễ hội

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đã có công văn về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão. Bộ khuyến khích các địa phương tổ chức theo hướng thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục; ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội.

PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nói rằng cần phải đảm bảo yếu tố gốc của lễ hội. Nhà nước chỉ hướng dẫn, không hành chính hóa lễ hội. Lễ hội không nên tổ chức dài ngày, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.