Khó khăn trong tiếp cận nguồn tài chính để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng

Những vướng mắc trong quá trình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho thấy, cần sớm có một cơ chế tài chính phù hợp để các doanh nghiệp tích cực đầu tư triển khai các giải pháp TKNL, nhằm cải thiện và năng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
nasteelvina-1653963607.jpg
Hàng năm, NatsteelVina đều có những cải tiến, hoặc đầu tư lắp đặt trang thiết bị TKNL với số vốn lớn

Trong một khảo sát mới đây do Hội KHCN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) thực hiện, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm đều có các hoạt động đầu tư để thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL), nhưng phần lớn đều từ vốn tự có. Những vướng mắc trong quá trình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho thấy, cần sớm có một cơ chế tài chính phù hợp để các doanh nghiệp tích cực đầu tư triển khai các giải pháp TKNL, nhằm cải thiện và năng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.

Nhu cầu đầu tư lớn

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển nền kinh tế. Thực tế từ khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực ngày 01/01/2011, hơn 10 năm qua, nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được nâng lên rất nhiều. Tại các doanh nghiệp, tùy vào mức đầu tư lớn hay nhỏ, hầu hết đều áp dụng các giải pháp để sử dụng hiệu quả năng lượng.

Khảo sát trực tiếp tại Công ty NatsteelVina – một đại diện của doanh nghiệp ngành Thép cho thấy, mỗi năm Công ty dành hàng tỉ đồng để đầu tư cho các giải pháp TKNL. Ông Lê Khắc Giang - Phó Trưởng phòng Sản xuất Công ty cho biết, là một công ty liên doanh với nước ngoài (đối tác Singapore) nên việc tiết giảm chi phí sản xuất là điều Công ty rất quan tâm, trong đó đặc biệt chú trọng tới các giải pháp TKNL. Hàng năm, Công ty đều có những cải tiến, hoặc đầu tư lắp đặt trang thiết bị TKNL với số vốn lớn. Mặc dù biết có rất nhiều nguồn tài chính thông qua các công cụ tài chính quốc tế và chính phủ, các tổ chức phi chính phủ có thể giúp Công ty trong các hoạt động đầu tư nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tuy nhiên, hiện các giải pháp được triển khai tại Công ty đều dùng vốn tự có, Công ty chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của tổ chức tín dụng nào. Là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực cán thép, sử dụng năng lượng lớn, Công ty có tiềm năng lớn về TKNL như điện năng, hơi, thu hồi nhiệt. Nếu như có thể tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để thúc đẩy áp dụng các giải pháp nhanh hơn, sẽ đạt hiệu quả TKNL lớn hơn.

casumina-1653963639.jpg
Mỗi năm, CASUMINA dành hàng tỉ đồng đầu tư các giải pháp TKNL xuất phát từ thực tế sản xuất

Tương tự, tại Công ty CP Hóa chất Việt Trì, những năm gần đây, Công ty đã tập trung đầu tư lớn cho việc đổi mới công nghệ với số vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng và đổi lại, năm 2020, Công ty đã tiết kiệm được gần 39% năng lượng so với năm 2019, là doanh nghiệp đạt giải nhất Giải thưởng "Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2021". Qua làm việc với nhóm cán bộ quản lý năng lượng của Công ty được biết, mặc dù các công nghệ Công ty mới đầu tư đều xuất phát từ thực tế và những giải pháp được đề xuất từ báo cáo kiểm toán năng lượng trước đó, nhưng Công ty đều phải bố trí nguồn vốn tự có mà chưa tiếp cận được bất kỳ nguồn vốn ưu đãi nào liên quan đến lĩnh vực TKNL. Chỉ có giai đoạn này, do vừa đạt giải nhất Giải thưởng "Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2021", nên Công ty đang phối hợp cùng GIZ xây dựng, thiết kế chương trình quảng bá các hoạt động TKNL theo chuyên đề giải ngân kinh phí 300 triệu đồng  từ nguồn hỗ trợ giải nhất cuộc thi.

Ông Văn Đình Hoan – Tổng giám đốc Công ty cho biết, hồi mới bắt đầu hoạt động kiểm toán năng lượng, Công ty có thuê công ty tư vấn. Tuy nhiên, chất lượng kiểm toán năng lượng chưa đạt như kỳ vọng, nhiều giải pháp tư vấn không hiệu quả do tư vấn viên không có kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực sản xuất hóa chất. Do đó, những năm trở lại đây, Công ty dùng chính cán bộ quản lý năng lượng của mình để triển khai các hoạt động kiểm toán và đề xuất các giải pháp TKNL. “Hiện Công ty có nhu cầu cải tạo hệ thống sản xuất Axit có thu hồi nhiệt, hệ thống sản xuất bột tẩy khoảng 210 tỷ đồng… công nghệ tiên tiến, rất TKNL. Nếu có một cơ chế tài chính phù hợp để Công ty có thể được vay vốn ưu đãi thì việc đầu tư sẽ được thúc đẩy nhanh hơn, giảm bớt gánh nặng lo vốn cho Công ty” – ông Hoan chia sẻ.

Ngân hàng dè dặt

Trả lời khảo sát của VECEA, hầu hết các doanh nghiệp trong 140 doanh nghiệp được khảo sát đều dùng vốn tự có và e ngại khi phải kết nối với ngân hàng vì nhiều thủ tục quá phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian công sức mà doanh nghiệp không thể đáp ứng được, do đó họ lựa chọn dùng vốn tự có để đáp ứng tiến độ đầu tư. Những dự án đầu tư nhiều khi mang tính thời điểm, nếu không nhanh, công nghệ tiếp tục thay đổi, đến lúc được ngân hàng phê duyệt cho vay có thể đã trở thành lạc hậu, nên dù tốn kém, doanh nghiệp vẫn lựa chọn tự bỏ vốn đầu tư, hoặc vay thương mại bình thường chứ không vay ưu đãi.

vietcombank-1653963656.jpg
Là một trong hai Ngân hàng thương mại được Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công Thương lựa chọn tham gia Dự án VEEIE, nhưng VCB cũng khá lúng túng trong việc phối hợp thẩm định dự án TKNL để cho vay ưu đãi

Bản thân các ngân hàng cũng khá dè dặt trong việc cho vay ưu đãi các dự án TKNL. Theo cam kết và quy trình quản lý dự án, Ngân hàng phải chịu rủi ro về tín dụng và có trách nhiệm đánh giá, thẩm định, phê duyệt cho khoản vay đối với các dự án TKNL, lãi suất cho vay theo cơ chế thị trường, quy trình và điều kiện cho vay… Trường hợp của Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Vietcombank (VCB) là một ví dụ. Đây là hai Ngân hàng thương mại đã được Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công Thương lựa chọn tham gia Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp Việt Nam (VEEIE). Tuy nhiên, vì lần đầu tiên áp dụng hình thức công cụ cho vay loại này nên luôn phải liên hệ, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để được hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật khi thẩm định các dự án TKNL, điều này ảnh hưởng đến thời gian và yếu tố chủ động tác nghiệp. Trong khi, việc thẩm định, đánh giá về mặt kỹ thuật đối với các Dự án TKNL vay vốn trong khuôn khổ Dự án VEEIE cũng rất phức tạp, chưa có tiền lệ. Quy định về lãi suất cho vay rất chặt chẽ và khả năng điều chỉnh hạ lãi suất, vấn đề bổ sung ngân hàng thương mại tham gia dự án đều phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt. Việc truyền thông cung cấp thông tin để doanh nghiệp tiếp cận Dự án cũng rất hạn chế, dẫn đến các ngân hàng cũng lúng túng trong việc phê duyệt cho vay và giải ngân các dự án này. Mặt khác, giai đoạn đầu triển khai Dự án, World Bank (WB) có hỗ trợ ngân hàng giám sát kỹ thuật, nhưng sau đó yêu cầu các ngân hàng tự làm, khiến các ngân hàng gặp khó khăn không nhỏ vì nhân sự của ngân hàng và các chi nhánh đều không có nghiệp vụ về lĩnh vực hiệu quả năng lượng.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đại diện hai ngân hàng này cho rằng, nếu khó khăn khi áp dụng công cụ cho vay này không được tháo gỡ, sẽ rất khó để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của WB. Có thể thấy hai vướng mắc, cũng là hai mâu thuẫn chủ yếu chưa có lời giải để thúc đẩy các Dự án TKNL vay vốn trong khuôn khổ Dự án VEEIE gồm:

+ Yêu cầu tỉ lệ TKNL còn quá cao (trên 20%) khiến doanh nghiệp không đáp ứng được trong thực tế;

+ Tỷ lệ lãi suất cần đủ cao để ngân hàng (bên cho vay) bảo đảm có một phần lợi nhuận bên cạnh khả năng thu hồi vốn, nhưng doanh nghiệp (bên vay) lại đánh giá là cao so với khả năng chấp nhận của doanh nghiệp, trong khi thủ tục pháp lý rất nghiêm ngặt. Điều này dẫn đến tính hấp dẫn đối với các ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng, cũng như đối với doanh nghiệp là không cao.

Các công cụ tài chính thúc đẩy hoạt động TKNL

Liên quan đến chính sách khuyến khích tài chính thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong nhiều năm qua các cơ quan liên quan đã ban hành và sử dụng một số công cụ tài chính về TKNL. Các định chế tài chính với các mức độ, phạm vi hoạt động khác nhau như Trợ cấp, Vay ưu đãi, Vay thương mại, Bảo lãnh tín dụng/rủi ro, Hạn mức tín dụng, Mô hình ESCO… đều đã có quy định hoạt động trong thời gian qua.

vsuee-1653963671.jpg
Dự án Thúc đẩy Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE), có tổng kinh phí 11,3 triệu USD do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ ủy thác qua WB

Các quy định về hỗ trợ 50% chi phí lập báo cáo kiểm toán năng lượng cho các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Hỗ trợ kinh phí đầu tư thực hiện dự án tối đa không quá 30% tổng mức đầu tư của dự án và không vượt quá mức 5-7 tỷ đồng/dự án đối với cơ sở sản xuất cải thiện, chuyển đổi dây chuyền công nghệ tương ứng (VNEEP2); Vay đặc biệt ưu đãi với lãi suất thấp (40-50% lãi suất thị trường) và thời hạn trả nợ dài, thông thường từ 05 năm trở lên cho đầu tư các dự án, mua bán thiết bị hiệu quả năng lượng từ Quỹ tài chính đặc thù quốc gia như Quỹ Bảo vệ Môi trường (VEPF), Quỹ Đổi mới khoa học công nghệ quốc gia (NATIF)… chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Vì vậy, trong thời gian tới, cần tích cực truyền thông để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các quỹ đầu tư có cho vay ưu đãi đối với các dự án TKNL, thúc đẩy các doanh nghiệp hăng hái quan tâm đến lĩnh vực này. Bởi đa số các doanh nghiệp đều lúng túng trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi mặc dù có biết đến sự tồn tại của các Quỹ tài chính liên quan đến TKNL. Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam (CASUMINA) cũng là một trường hợp như vậy. Mỗi năm, Công ty dành hàng tỉ đồng đầu tư các giải pháp TKNL xuất phát từ thực tế sản xuất. Đại diện CASUMINA cho biết, Công ty biết có các quỹ tài chính cho các dự án TKNL, nhưng không biết tiếp cận như thế nào. Thậm chí, việc vay vốn ưu đãi có thể thay đổi cả kế hoạch đầu tư do các thủ tục phê duyệt gặp nhiều rào cản, nên Công ty thường chọn phương án dùng vốn tự có để đỡ mất thời gian. Các kế hoạch này đều được lên hàng năm và phải thông qua phê duyệt của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam. Thực tế triển khai các dự án TKNL liên tục trong các năm, doanh nghiệp nhận thấy bản thân các ngân hàng cũng ngại cho vay các dự án TKNL do hiệu quả nhỏ và thời gian thu hồi vốn lâu. Do đó, doanh nghiệp rất cần một văn bản cụ thể của các Bộ, ngành liên quan để nhìn vào đó, doanh nghiệp thấy dự án của mình có thuộc đối tượng được cho vay ưu đãi hay không, cần làm những gì để được hỗ trợ cho vay, như vậy sẽ đỡ mất thời gian cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Là một đơn vị chuyên về tư vấn TKNL, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm năng lượng - Enerteam cũng phải thừa nhận, cho đến thời điểm hiện tại, đến 90% hợp đồng của Trung tâm là tư vấn về giải pháp TKNL (bao gồm cả tư vấn thiết bị). Việc hoạt động như một công ty dịch vụ TKNL (ESCO) hiện rất khó khăn do Việt Nam vẫn chưa có được một cơ chế rõ ràng về thanh toán lợi nhuận trên cơ sở phần năng lượng tiết kiệm được. Trong nhiều năm triển khai các dự án TKNL, Enerteam vẫn  phải loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn: Dự án ngắn quá thì ngân hàng không quan tâm; Dự án dài quá thì doanh nghiệp ngại công nghệ sẽ thay đổi, máy móc không theo kịp yêu cầu…

Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp của thị trường hiệu quả năng lượng, từ thị trường tài chính công sang thị trường tài chính thương mại, quá trình chuyển tiếp và phát triển cần có lộ trình phù hợp theo từng cấp độ để phát triển bền vững thị trường hiệu quả năng lượng. Từ thực tế triển khai của các doanh nghiệp, có thể thấy, để thúc đẩy đầu tư các dự án TKNL, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, cần nghiên cứu xây dựng và vận hành một công cụ tài chính phù hợp; sớm thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP3) trên cơ sở thúc đẩy mọi nguồn lực xã hội cả trong và ngoài nước để hỗ trợ triển khai các hoạt động TKNL tại Việt Nam là cần thiết tại thời điểm hiện nay…

Trong tháng 5/2022, Bộ Công Thương và WB đã khởi động Dự án Thúc đẩy Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE), có tổng kinh phí 11,3 triệu USD do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ ủy thác qua WB, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản quản lý, thực hiện từ tháng 03/2022 đến tháng 01/2026. Dự án kỳ vọng sẽ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, đồng thời góp phần đạt mục tiêu quốc gia về TKNL, đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện triển khai các nhiệm vụ, hành động giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, một khung pháp lý hoàn chỉnh với một chính sách giá năng lượng đảm bảo hợp lý, hài hòa, minh bạch cho các loại nhiên liệu-năng lượng; đồng bộ các quy định về vay không hoàn lại (grant)/trợ cấp (subsidies) đầu tư, vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng/rủi ro, trợ giá cho các hoạt động hiệu quả năng lượng từ nguồn ngân sách nhà nước, viện trợ từ nước ngoài, cho vay từ các tổ chức tài chính… Các quy định về miễn/giảm các loại thuế, phí đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu thiết bị TKNL; Bổ sung các quy định về pháp lý và pháp nhân cho hoạt động của các tổ chức ESCO cho phù hợp với điều kiện Việt Nam… là những yếu tố cần và đủ để thị trường TKNL Việt Nam hoạt động thực sự có hiệu quả, đảm bảo thực hiện mục tiêu đạt mức tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019-2030 mà Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đã đề ra.