Khẳng định vai trò phụ nữ trong công tác giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Chương trình Deltaccelerate góp phần cải thiện khả năng ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tập trung vào phụ nữ.
phu-nu-bien-doi-khi-hau-02-1709801792.jpg
Thời gian qua có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế, khởi nghiệp bền vững cho phụ nữ tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Nâng cao năng lực phụ nữ trong công tác giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Thiên tai tăng cả về tần suất lẫn cường độ, đòi hỏi cần có những hành động gấp rút để kịp thời giảm nhẹ thiệt hại và tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.

Với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) trong khuôn khổ Nền tảng đối tác kinh doanh tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Chương trình hỗ trợ tăng tốc kinh doanh nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu dành cho phụ nữ (gọi tắt là Chương trình Deltaccelerate) được triển khai trong 2 năm (2024-2025) với những hoạt động đào tạo và hỗ trợ tài chính không hoàn lại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc doanh nghiệp tập trung vào phụ nữ tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Chương trình Deltaccelerate góp phần cải thiện khả năng ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tập trung vào phụ nữ.

Chương trình Detaltccelerate sẽ giúp thúc đẩy các công ty do phụ nữ lãnh đạo có tính tác động cao và có khả năng tạo ra sự khác biệt trong việc thích ứng với khí hậu ở cộng đồng địa phương, một mô hình kinh doanh kiểu mẫu có khả năng được nhân rộng trên khắp Đồng bằng Sông Cửu Long và sau đó trên khắp Việt Nam.

Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức quốc tế triển khai các chương trình, dự án lồng ghép giới trong phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Có thể kể tới một số mô hình như sản xuất mắm, ruốc, khô khuyết tại Huế; trồng gừng trong bao và trồng cây chùm ngây tại Quảng Bình; tổ hợp tác đan lục bình ở Đồng Tháp; trồng thâm canh lạc đỏ địa phương thích ứng với xói mòn theo tiêu chuẩn của VietGap; nuôi gà thả vườn an toàn sinh học tại Lào Cai; trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả theo tiêu chuẩn của VietGAP…

phu-nu-bien-doi-khi-hau-03-1709801851.jpg
Phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Việc tuân thủ các kỹ thuật sản xuất bền vững không chỉ bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, làm tăng hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải chung của quốc gia.

Có thể nói, phụ nữ được xếp vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt tại những khu vực nhạy cảm với thiên tai, thời tiết bất thường, vùng nông thôn, miền núi, nơi điều kiện sản xuất cũng như mức sống còn nhiều khó khăn.

Họ đóng vai trò quan trọng trong gia đình, cộng đồng và có mối quan hệ gần gũi với những người xung quanh. Khi có điều kiện, phụ nữ cũng có khả năng tạo ra nguồn lực đóng góp cho hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Chính vì thế, các chính sách và chương trình về khí hậu, môi trường, rủi ro thiên tai phải đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của việc ra quyết định; đảm bảo lồng ghép giới vào các chính sách và chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai, khí hậu và môi trường cần có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương để ứng phó với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.

Khuyến khích và thúc đẩy các sáng kiến do phụ nữ khởi xướng

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng để thúc đẩy sự tham gia có hiệu quả hơn nữa của phụ nữ và bình đẳng giới trong ứng phó và giảm nhẹ rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam, thời gian tới, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với Hội, các cấp hội trong việc xây dựng các chương trình tăng cường năng lực về kỹ thuật cho một số tổ chức phụ nữ, phụ nữ cộng đồng, nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số về thích ứng biến đổi khí hậu.

Khuyến khích và thúc đẩy các sáng kiến do phụ nữ khởi xướng hoặc phụ nữ làm chủ, tạo cơ hội để phụ nữ tiếp cận được các nguồn lực tài chính, trao đổi quyền năng về kinh tế cho phụ nữ ở các vùng, ngành nghề dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và thiên tai; tìm kiếm, chia sẻ các chương trình, nguồn lực tài chính tới các đơn vị cơ sở, tổ chức cộng đồng, thành viên mạng lưới để lan tỏa các sáng kiến về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu có trách nhiệm giới do phụ nữ khởi xướng...

phu-nu-bien-doi-khi-hau-01-1709801775.jpg
Phụ nữ đã và đang có những đóng góp tích cực và quan trọng trong thích ứng với biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Với quan điểm “mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, Việt Nam luôn coi trọng việc thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế, cam kết mạnh mẽ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được bình đẳng giới cũng như trao quyền đầy đủ cho phụ nữ và trẻ em gái.

Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thực hiện các chính sách như Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDC) là tiền đề quan trọng thúc đẩy và tạo điều kiện cho phụ nữ trong các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Việt Nam đã đệ trình cập nhật đóng góp do quốc gia quyết định, trong đó bình đẳng giới là một điểm nhấn quan trọng và xuyên suốt.

Chuyên gia về biến đổi khí hậu và giới Nguyễn Sĩ Linh đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần tiếp tục phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện các nghiên cứu về tác động của giới do biến đổi khí hậu đối với các ngành và khu vực, đồng thời xác định các điểm đầu vào để lồng ghép giới vào các chính sách liên quan đến khí hậu; xây dựng khung chính sách khí hậu và thiết lập cơ sở dữ liệu về tác động giới do biến đổi khí hậu gây ra.

Trong khi đó, bà Gaelle Denmolis - Quyền Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam cho rằng: Các cơ quan Chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức của phụ nữ cần nâng cao năng lực về lồng ghép giới trong thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu ở Việt Nam; tăng cường tiếp cận của phụ nữ tới sinh kế bền vững và sinh kế thay thế để có thể chống chịu với thiên tai; đồng thời thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong việc ra quyết định về thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai ở tất cả các cấp và lĩnh vực một cách hiệu quả...

Tại Hội nghị COP26 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã khẳng định Việt Nam sẽ triển khai các biện pháp mạnh mẽ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris nhằm đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Mục tiêu này không chỉ hướng đến những kết quả cụ thể trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu mà còn mang lại những lợi ích to lớn về an sinh xã hội và bình đẳng giới./.

Bình Nguyên