Khắc phục thiếu hụt nhân công thu hoạch cà phê do dịch COVID-19

Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, để thu hoạch hết diện tích 173.000 ha cà phê trên địa bàn toàn tỉnh vào 3 tháng cuối năm 2021 sẽ cần khoảng hơn 7,8 triệu công lao động.
thu-hoach-cafe1-1633519251.jpg
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng từ 45- 50%, còn lại cần lực lượng lao động từ ngoài tỉnh. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lực lượng này không thể vào địa bàn lao động như những năm trước, nên tỉnh Lâm Đồng đã phải đặt ra nhiều giải pháp để khắc phục.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc thuê lao động từ ngoài tỉnh về Lâm Đồng rất khó thực hiện. Vì vậy, việc huy động nguồn lao động tại chỗ cần có sự chuẩn bị khi mùa vụ thu hoạch đang đến gần.

Do đó, để đảm bảo nhân công cho vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2021; đồng thời, đảm bảo thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh Lâm Đồng trong phòng chống dịch nhưng không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến sản xuất; trong đó, có thu hoạch cà phê, các địa phương cần thực hiện một số giải pháp cụ thể.

Để giải quyết tình trạng thiếu nhân công thu hái cà phê,Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị các huyện, thành phố có diện tích sản xuất cà phê như: Bảo Lâm, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Đức Trọng, Lạc Dương, thành phố Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt tiến hành rà soát, thống kê diện tích.

Qua đó, các địa phương dự báo sản lượng cà phê thu hoạch trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn để xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện thu hoạch.

Các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, trị trấn nắm rõ diện tích, năng suất, sản lượng thu hoạch cà phê trên địa bàn của từng hộ nông dân, nguồn lao động của từng hộ gia đình có sản xuất cà phê.

Từ đó, xác định khả năng chủ động nguồn lao động của gia đình hoặc phải thuê mướn lao động để phân loại xây dựng phương án kế hoạch hỗ trợ thu hoạch; trong đó, lưu ý quan tâm đến các hộ gia đình neo đơn, ít người lao động hoặc có người nhưng bị kẹt tại các vùng dịch không về được.

Các địa phương thành lập các tổ, đội, nhóm hộ thực hiện đổi công phục vụ thu hái cà phê để kịp thời thu hái nhằm hạn chế tổn thất do thiếu nhân công. Đồng thời, huy động các tổ chức đoàn thể trên địa bàn thành lập các tổ, đội hỗ trợ thu hái cà phê nhằm giúp đỡ các gia đình khó khăn trong thu hái cà phê.

Đặc biệt, các địa phương cần rà soát lực lượng lao động trên địa bàn có nhu cầu thu hái để giới thiệu cho các hộ nông dân thuê mướn phục vụ thu hoạch trên cơ sở thỏa thuận về chi phí ngày công hợp lý, tránh việc lợi dụng tình hình khan hiếm lao động để đẩy giá nhân công lên cao.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, trước tình trạng thiếu hụt lao động khi mùa thu hoạch cà phê sắp đến gần, Sở đã cho các trung tâm giới thiệu việc làm xúc tiến việc rà soát, đánh giá số lượng, nhu cầu lao động tại các địa phương; trong đó các Trung tâm sẽ chú trọng việc điều tiết lao động tự do từ các địa bàn không có cây cà phê sang thu hái tại các địa bàn cà phê trọng điểm.

Nếu từ nay đến cuối năm, tình hình dịch bệnh bắt đầu giảm, sở sẽ chú trọng tạo điều kiện tiếp nhận lực lượng lao động tự do ngoài tỉnh đã có “hộ chiếu vaccine” vào địa bàn để giảm tình trạng thiếu hụt nhân công thu hái cà phê trong vụ này và các vụ sau.

Lâm Đồng có diện tích cà phê hơn 173.000 ha, với sản lượng ước đạt 518.603 tấn cà phê nhân. Một số diện tích đã được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận và nhận diện thương hiệu; trong đó, diện tích cà phê đạt chứng nhận Rainforest Alliance là hơn 21.000 ha, chứng nhận 4C với diện tích hơn 53.000 ha…

Đặc biệt, với nhãn hiệu “Cà phê Di Linh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận, Cà phê chè Arabica Langbiang cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền.

Chu Quốc Hùng