Kết thúc kỳ nghỉ Tết, nhà nông hồ hởi xuống đồng

Kết thúc kỳ nghỉ Tết, bên cạnh các hoạt động lễ hội sôi nổi, tại các địa phương nông dân đã hối hả xuống đồng. Tranh thủ thời gian đầu xuân để bắt tay vào vụ mới kỳ vọng một năm được mùa, được giá.
thu-hoach-hanh-toi-01-1708136391.jpg
Hành tỏi đã trở thành “cây làm giàu” của người nông dân Kinh Môn.(Ảnh minh họa)

"Thủ phủ" hành tỏi khẩn trương thu hoạch

Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, người dân ở thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã nhộn nhịp xuống đồng thu hoạch hành tỏi. Được mệnh danh là “thủ phủ” hành tỏi của miền Bắc, thị xã Kinh Môn có gần 4.000 ha diện tích đất nông nghiệp trồng hành tỏi, hàng năm cho sản lượng lên tới hơn 100.000 tấn.

Thời gian sinh trưởng ngắn cùng với giá trị kinh tế cao nên từ bao đời nay, hành tỏi đã trở thành “cây làm giàu” của người nông dân nơi đây. Năm nay tuy thời thiết không thuận lợi nhưng nhờ kinh nghiệm chăm sóc nên sản lượng hành tỏi vẫn đảm bảo. Những ngày đầu xuân, người nông dân khắp các xã phường: Thăng Long, Hiệp Hòa, An Phụ, Phạm Thái... đã nô nức xuống đồng tranh thủ thu hoạch “của cải” về nhà.

Gia đình ông Nguyễn Văn Lân (phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn) canh tác 3 sào hành. Bàn tay vẫn thoăn thoắt buộc từng bó tỏi vừa nhổ, ông Lân cho biết, 3 sào của ông năm nay cho thu hoạch trên 15 tạ hành (đã sấy khô). Tuy đã nhổ hết hành nhưng lượng tỏi trồng gáy (trồng dọc phần đất thừa 2 bên mép luống) cũng được khoảng 3 tạ.

thu-hoach-hanh-toi-02-1708136420.jpg
Thị xã Kinh Môn có gần 4.000 ha diện tích đất nông nghiệp trồng hành tỏi, hàng năm cho sản lượng lên tới hơn 100.000 tấn.(Ảnh minh họa)

Để tận dụng được triệt để diện tích đất trống, phương pháp trồng gáy cây tỏi từ lâu đã được người nông dân Kinh Môn áp dụng trong canh tác. Những hàng tỏi xiêu vẹo được trồng dọc 2 bên luống hành đem lại nguồn thu không nhỏ, đây cũng chính là niềm vui kép của người nông dân. Chỉ riêng lượng tỏi này cũng đủ chi trả công thuê người nhổ.

Người nông dân ở Kinh Môn cũng cho biết, củ tỏi trồng gáy sẽ to hơn, mẫu mã đẹp hơn, bán được giá hơn củ tỏi trồng theo luống. Một tạ tỏi gáy sau khi sấy khô có thể bán được 1,7 triệu đồng.

thu-hoach-hanh-toi-03-1708136372.jpg
Không khí trên những cánh đồng ngày đầu xuân ở Kinh Môn vô cùng nhộn nhịp. (Ảnh minh họa)

Nhà có hơn 10 sào hành chưa thu hoạch nên ngay từ chiều mùng 1 Tết gia đình ông Khang đã tranh thủ xuống đồng. “Tết mà được đi du xuân thì cũng thích nhưng không thích bằng ra nhổ 5 tấn hành tương đương với 200 triệu đồng. Nông dân như chúng tôi thì không có niềm vui nào bằng vui được mùa cả”, ông Khang bày tỏ.

Thời tiết không mưa giúp việc thu hoạch hành tỏi vô cùng thuận lợi. Từng xe hành, tỏi nối nhau đi về từng ngõ xóm mang theo niềm vui của mùa màng bội thu trong ngày đầu năm mới.

Ra đồng xông đất mong lúa tốt, muối giá cao

Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sau những ngày nghỉ Tết, bà con nông dân lại nhộn nhịp ra đồng để chăm sóc lúa, thu hoạch muối. Bà con kỳ vọng năm Giáp Thìn mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, giá cả nông sản khởi sắc.

Ngay từ mồng 6 tết Giáp Thìn nhiều ruộng muối trải bạt bước vào vụ thu hoạch. Thời tiết những ngày đầu năm mới thuận lợi, nắng gió nhiều nên sản lượng muối đợt thứ 3 đạt cao, khoảng 30 tấn/ha, tăng hơn 10 tấn/ha so với cùng kỳ năm ngoái.

thu-hoach-muoi-01-1708136471.jpg
Sau Tết thời tiết thuận lợi, muối đạt năng suất cao khiến nhiều diêm dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu phấn khởi.(Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vui mừng khi những ngày đầu năm, thu hoạch muối đạt năng suất cao: “Thu hoạch lứa này là lứa thứ 3, thời tiết năm nay thuận lợi nhưng mất giá, tuy nhiên năng suất đạt hơn năm ngoái”.

Tại các cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bà con đang canh tác vụ Đông Xuân. Thời điểm này, lúa vào giai đoạn trổ đồng, nông dân đang theo dõi sinh trưởng của cây lúa nhằm kịp thời phát hiện sâu bệnh gây hại.

thu-hoach-lua-01-1708136501.jpg
Giá lúa cũng ổn định, nông dân hy vọng có lãi khá. (Ảnh minh họa)

Ông Võ Minh Tâm, nông dân xã Tam Phước, huyện Long Điền cho biết, thăm lúa đầu xuân không chỉ để khởi đầu công việc đồng áng mà còn là ngày xông đất ruộng đồng, mong được mùa màng bội thu.

“Ăn Tết xong, mình ra đồng canh tác, thêm phân, xem cây lúa có sâu bệnh gì không. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên sâu bệnh cũng ít. Giá lúa năm nay trên 8.000 đồng/kg, bà con phấn khởi, ăn Tết sung túc”, ông Võ Minh Tâm phấn khởi.

Ngư dân khẩn trương ra khơi chuyến biển đầu năm

Sau thời gian vào bờ vui Tết cổ truyền, đoàn tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Tiền Giang khẩn trương nhổ neo ra khơi với khí thế phấn khởi, niềm tin trúng mùa. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng đã có gần 100 tàu cá nhổ neo ra khơi chuyến đánh bắt hải sản đầu tiên trong năm mới. Hiện có hàng trăm phương tiện đang tất bật chuẩn bị “hậu cần” để ra khơi từ nay đến ngày mùng 10 tháng Giêng.

Trước khi ra khơi, chủ phương tiện trang bị đầy đủ các thiết bị, kiểm tra vấn đề an toàn cho tàu cá. Các ngành chức năng như: Bộ đội Biên phòng, Cảng cá, Chi cục Thủy sản phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, giám sát tàu cá yêu cầu thuyền trưởng, thuyền viên phải chấp hành các quy định khi khai thác biển, tuyệt đối chấp hành quy định IUU.

Sau Tết, việc làm thủ tục xuất bến cho các phương tiện được cơ quan chức năng thực hiện nhanh chóng, đảm bảo chặt chẽ, không gây phiền hà cho bà con ngư dân. Đặc biệt các cơ quan chức năng kiên quyết không cho phương tiện ra khơi nếu không đảm bảo đầy đủ về thủ tục, các quy định an toàn của tàu cá, giám sát hành trình trên biển...

ra-khoi-dau-nam-01-1708136530.jpg
Bộ đội Biên phòng và Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang tặng cờ Tổ quốc và động viên ngư dân vươn khơi bám biển. (Ảnh minh họa)

Toàn tỉnh Tiền Giang có trên dưới 1.000 tàu cá hoạt động thường xuyên, tập trung nhiều ở thành phố Mỹ Tho và huyện Gò Công Đông; trong đó có 100% tàu cá thuộc diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Chuyến đánh bắt đầu năm dù gió chướng thổi mạnh nhưng ngư dân cố gắng ra khơi, bám biển.

Ông Huỳnh Thanh Toàn, Chủ tịch UBND thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông- địa phương có đoàn tàu khai thác biển lớn nhất tỉnh Tiền Giang cho biết: "Từ ngày mùng 6 bà con bắt đầu ra khơi được 23 chiếc. Chuyến đầu năm có thể đến ngày mùng 10 dứt điểm ra khơi, chuyến đầu năm thường trúng mùa. Mình đã phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng tiếp tục tuyên truyền bà con không đánh bắt vi phạm IUU, giám sát hành trình cho đảm bảo, bà con chấp hành tốt để sớm gỡ thẻ Vàng”.

Với nhà nông, không có niêm vui nào lớn hơn niềm vui được mùa, nông sản được giá. Đổ mồ hôi xuống đồng để cho những hạt mầm lên xanh kết thành hoa trái những mong thành quả lao động được bù đắp. Sự cần cù, sáng tạo trên đồng của những nông dân một nắng hai sương đã góp phần tạo nên những thành quả to lớn của ngành nông nghiệp nước nhà./.

Bình Châu