Cà Mau tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ gắn với tạo sinh kế cho người dân

Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Cà Mau cũng hướng tới giảm các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội.
quan-ly-khu-gan-bo-ca-mau-2-1738744300.jpg
UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Cà Mau giai đoạn 2022 - 2027, định hướng đến năm 2030.(Ảnh minh họa)

UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Cà Mau giai đoạn 2022 - 2027, định hướng đến năm 2030.

Phạm vi của chương trình được thực hiện trên toàn vùng bờ của tỉnh Cà Mau, với tổng diện tích khoảng 4.284 km2. Trong đó, vùng đất ven biển, có diện tích 1.845 km2 và vùng biển ven bờ, với diện tích 2.438 km2.

Việc thực hiện chương trình nhằm tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ tỉnh Cà Mau theo cách tiếp cận tổng hợp; bảo vệ, bảo tồn các giá trị tự nhiên, sinh thái, văn hóa gắn với cải thiện sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng tới phát triển bền vững; tăng cường năng lực, nhận thức về quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư ven biển và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường vùng bờ tỉnh Cà Mau.

Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Cà Mau cũng hướng tới giảm các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh - quốc phòng; Ứng dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tại địa phương.

quan-ly-khu-gan-bo-ca-mau-1-1738744366.jpg
Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Cà Mau cũng hướng tới giảm các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội.(Ảnh minh họa)

Thời gian qua, công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thời gian qua được tỉnh Cà Mau dành sự quan tâm đặc biệt, xem đây là một trong các giải pháp hiệu quả, nhằm thích ứng biến đổi khí hậu.

Trong đó, nổi bật là Quyết định số 1206/QÐ-UBND ngày 18/6/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau. Ông Bùi Nhật Phương, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư, chia sẻ: "Thời gian đầu triển khai dự án thành lập Khu bảo tồn biển gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhiều lần giãn cách xã hội, cùng tình hình thời tiết trên biển ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khảo sát, đánh giá xây dựng dự án; địa điểm khảo sát tại 3 cụm đảo: Hòn Khoai, Hòn Chuối và hòn Ðá Bạc, cách xa đất liền và khoảng cách giữa các cụm đảo xa nhau nên khó khăn trong di chuyển, bố trí lực lượng làm nhiệm vụ. Một số quy định của pháp luật về Khu bảo tồn biển hiện nay chưa thực sự rõ ràng... Do đó, hơn 2 năm sau khi thẩm định dự án, UBND tỉnh đã phê duyệt thành lập Khu bảo tồn biển tỉnh".

Khu bảo tồn biển Cà Mau có phạm vi bao gồm vùng biển xung quanh các cụm đảo: Hòn Khoai, Hòn Chuối và hòn Ðá Bạc, với tổng diện tích 27.000 ha. Trước mắt, Chi cục Kiểm ngư được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức quản lý Khu bảo tồn biển tỉnh, đến khi đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu khai thác dịch vụ và dự kiến nguồn thu đảm bảo tự cân đối, sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn biển theo quy định.

Việc thành lập, quản lý Khu bảo tồn biển tỉnh nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các loài động, thực vật hoang dã, các loài thuỷ sinh vật biển, loài bản địa, đặc hữu, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, loài có giá trị kinh tế... Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên...; phát triển du lịch sinh thái, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân địa phương, góp phần quan trọng làm giảm tác động của BÐKH.

quan-ly-khu-gan-bo-ca-mau-3-1738744395.jpg
Khu bảo tồn biển Cà Mau có phạm vi bao gồm vùng biển xung quanh các cụm đảo: Hòn Khoai, Hòn Chuối và hòn Ðá Bạc, với tổng diện tích 27.000 ha. (Ảnh minh họa)

Theo ông Bùi Nhật Phương, để việc quản lý Khu bảo tồn biển tỉnh đạt hiệu quả như kỳ vọng, trước mắt khẩn trương xây dựng và trình cấp thẩm quyền ban hành Quy chế hoạt động, quản lý và phát triển bền vững Khu bảo tồn biển, đảm bảo có khung pháp lý đầy đủ, khả thi. Ðồng thời, xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án đi kèm như: thành lập ban quản lý; đề án thu phí, lệ phí; đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau.

“Ðặc biệt, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức cho cộng đồng trong khu bảo tồn và khách du lịch về tầm quan trọng, giá trị các nguồn tài nguyên sinh vật biển, nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên trong Khu bảo tồn biển”, ông Phương nhấn mạnh./.

Bình Nguyên