Kéo ghe thuyền lên bờ

Năm 1983, tôi tình nguyện đi đảo Phú Quý làm công tác xây dựng văn hóa, bởi tôi yêu hòn đảo này, với những ngày tháng 4/1975 chiến đấu tiến công giải phóng đảo quê hương. Từ thành phố Phan Thiết, về hướng Đông khoảng 120km là đảo. Bạn lên tàu cao tốc, tiện nghi máy lạnh vui vẻ cùng người thân với biển cả gần ba tiếng, đảo trang nghiêm đón bạn sang trọng! Bằng bờ cảng bê tông kiên cố, xe hơi, đường nhựa, nhà lầu máy lạnh, hải sản tươi sống thưởng thức trong không khí tươi vui gió lành man mát đưa về từ biển xanh!

Thời thanh niên tình nguyện của tôi, đi đảo bằng thuyền lá, ghe buồm, ghe máy. Thường đi vào ban đêm, dựa vào trời thanh gió lặng, 5 giờ chiều xuất phát tại bến ghe Phan Thiết, đến gần sáng hôm sau đến đảo. Có khi ghe lạc đường gió xô thẳng xuống miền Tây, quay lại bằng đường bộ, hơn một tháng mới được về đến đảo. Có khi ghe chết máy lênh đênh trên sóng biển động dài, nhấp nhô giữa biển trời lồng lộng, chờ ghe câu tín hiệu cứu về đất liền. Có khi ghe bị hỏng nước biển tràn vào chìm dần giữa biển khơi, người sống sót hiếm hoi, bạn tôi đã ra đi như hành động hy sinh dũng cảm vì đảo Phú Quý thân yêu.

Xuống ghe dầm mình dưới nước để lội lên bờ, nhìn mặt không nhận ra nhau bởi khói bô, dầu nhớt, nước biển, nhớt nhao cơm cháo ộc ói từ những cơn sóng nghiên ghe, úp lộn trào ngược người, rũ rượi tóc tai, mặt mày bơ phờ. Lên bờ cát lún ngập bàn gùi hàng đưa chân đếm từng bước cát.

Tôi nhận công tác tại ủy ban huyện, điều tra phổ cập văn hóa cán bộ. Anh Hiền Văn phòng ủy ban bố trí cho tôi căn nhà của người dân bỏ đi vượt biên. Tôi ở cùng với 4 anh người Hà Tĩnh, 1 anh người Thái Bình và 1 anh người Quãng Ngãi. Ở trong dân, sinh hoạt chung với người dân, sống từng hơi thở với người dân đảo. Sáng chúng tôi dạy rất sớm, lao động tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, thể dục thể thao, rồi ùa ra biển tắm, nhà sát biển chỉ vài bước chân, thấy chúng tôi tắm biển đông vui, nhận được khỏe lành, người dân đảo cũng ào xuống biển tắm.

Các cô gái đảo người mặc yếm, người mặc đồ bộ bơi trong biển trong vắt căng tròn từng đường nét gò đồi, vực thẳm, núi cao, biển sâu, mây cỏ phớt pha như tranh vẽ… những chàng trai đảo ngực nở đón gió lực lưỡng, nước ôm sát quần đùi cơn cơn như chương hồi tiểu thuyết cập kê! Thời bao cấp, phụ tùng đồ lót nam nữ ở đất liền còn hiếm, có gì ở đảo xa xôi còn lạc hậu thiếu thốn! Không biết người dân thương mến chúng tôi tự bao giờ, có mớ rau lũi (loại rau ở đảo Phú Quý dùng sống chín đều ngon) bà con cũng cho, đi rẫy về có củ khoai, củ sắn, củ đậu, trái bắp hay con giông bà con đều đem cho anh em chúng tôi. Rồi hải sản cá mực, anh em tập thể chúng tôi đều có để dùng. Mỗi đợt mua hàng nhu yếu phẩm, chúng tôi đều san sẻ cho bà con cộng cùng khó khăn thời xếp hàng tem phiếu.

Giữa tháng 11, trời chuyển dông ầm ầm, đảo mù mịt cơn mưa, bầu trời trắng xóa, những con đường cát lún trên đảo hiếm hoi người đi. Gió tung bần bật, đài truyền thanh báo bão. Cả xóm Biển xã Ngũ Phụng nhốn nháo, thanh niên, đàn ông, đàn bà, phụ nữ đều túa ra biển. Em Tửng con bác Phòng đến gọi chúng tôi: Quý thầy ơi, de (ra) bấu (cột) hộ dùm ghe nhà bọn em! Bảy anh em chúng tôi, mình trần trùi trụi nhảy bổ xuống biển. Gió tung hất ngược chiều, đẩy chúng tôi nghiêng ngả. Đồng chí Trần Đức Vững (hiện dạy tại trường dân tộc nội trú tỉnh Bình Thuận), là nông dân Hà Tĩnh thứ thiệt, nên anh ngửa người cản bão kéo neo néo vào cột, hai hàm răng anh cắn chặt, các cơ toàn thân vun lên chống đỡ, hai bàn tay anh bị dây neo xiết chặt tím bầm.

Tôi chịu trụ đầu mũi lái, đồng chí Huệ, đồng chí Siêng cùng tấn chân lún cát biển gịt vào đầu dây. Hàng chục người dân giữ dây chằng chéo. Các ghe thuyền đã được neo chặt vào trụ bản. Bão ngày càng hộc tốc, mưa như hốt đá dội xuống xóm đảo, rát mặt như cắt da. Các thuyền đã được neo va đập cành cạch theo nhịp xúi dục từng đợt sóng bạc đầu của mưa bão. Đã có vài chiếc ghe bị vỡ, các mẹ các chị bắt đầu rơi nước mắt lo cho ngày mai lấy cái gì đi biển, thời gian phục hồi song song với thời gian đói khát thiếu thốn...

nhung-chiec-buom-tre-hien-ngang-vuot-bien-1684251424.jpg

Ảnh minh họa.

Tôi nói hay mình kéo ghe thuyền lên bờ rồi neo chặt lại để tránh va đập, một vài phút chần chờ, đồng chí Siêng nói lớn cùng kéo ghe thuyền lên bờ luôn! Đồng chí Vinh, Vững ủng hộ theo. Bà con xóm Biển cùng chúng tôi hì hục đẩy kéo từng chiếc ghe lên bờ. Mọi người xếp dọc theo thân ghe, hợp lực hì đẩy ghe theo chiều sóng cuộn, người khỏe chịu đầu dây cột thân kéo như trâu cày. Chốc lát các ghe thuyền đã kéo cao lên bờ trong sự yên tâm của ngư dân. Bão tan, nắng ửng hồng, bà con đẩy ghe xuống biển liền theo cuộc sống ấm nồng bà con hải đảo Phú Quý.

Năm 2007, tôi trở lại đảo viết bài tuyên truyền chuyên trang 1/64 tỉnh thành cho báo Đại Đoàn kết. Khi làm việc với đồng chí Huỳnh Văn Hưng, Bí thư, Chủ tịch huyện đảo. Hàng loạt vấn đề đổi mới trên đảo được đề cập, đồng chí Bí thư huyện đảo say sưa kể như khẳng định thành công nhất là kéo tàu thuyền lên bờ để tránh thiệt hại cho bà con khi bão lũ: “Em huy động lực lượng bốn tại chỗ để kéo tàu thuyền lên bờ, trong khi Chủ tịch tỉnh anh Huỳnh Tấn Thành chủ trương chỉ đạo phải neo đậu tàu thuyền tại chổ cho chắc, nghe thì em nghe nhưng làm em không làm như vậy vì đặc thù biển đảo Phú Quý là bãi ngang, khi gặp mưa bão, neo đậu tại chỗ sẽ bị va đập bể nát tàu thuyền của bà con, khi bão tan thiệt hại còn nhiều hơn. Cái này trong trường đại học không dạy nhưng em thấy bà con ở xóm Bầu, xóm Biển làm và em rút kinh nghiệm triển khai cho bộ đội, thanh niên cùng nhau kéo tàu thuyền lên bờ”.

Bài phỏng vấn đồng chí Huỳnh Văn Hưng, Bí thư huyện đảo Phú Quý được đăng ngay trên báo Đại Đoàn kết. Sau đó, các văn bản của Chủ tịch tỉnh Bình Thuận, ông Huỳnh Tấn Thành đều chỉ đạo kéo tàu thuyền lên bờ khi mưa bão ập xuống đảo Phú Quý.

Cao tốc tiện nghi máy lạnh sẽ đón bạn tận nhà, đưa bạn về tận ngõ, thơm tho, ấm áp lại thêm niềm vui đa dạng dịch vụ từ khi tàu xuất bến cảng Phan Thiết, bạn được xem cá heo hát, cá voi múa điệu vờn người quen du khách về Đảo, ngôi nhà của bọn chúng.

Bây giờ đến đảo Phú Quý như đi từ nhà ra chợ, ước mơ mà cách đây 48 năm chúng tôi trò chuyện trên ghe đem lại bình yên cho hòn đảo duy nhất phía Đông tỉnh Bình Thuận.

Bạn được thưởng thức hải sản đặc hạng lạ lùng, hương vị đi sâu vào tận đáy lòng, về lại quê hương khắp mọi miền tổ quốc dư âm vẫn còn vương vấn!

Bạn được yên bình trong cảnh thiên nhiên triền miên ký ức lãng du với bãi biển đá chồng đá vợ cổ kính rêu phong, sóng ập ầm ì vui tai thăng hoa sống dài hơn mỗi ngày bạn yêu thích gắn bó với Hòn, với Đảo, với Cù Lao Thu, với Phú Quý biển Đông Bình Thuận./.

Lý Nam