Khóa học lần này dành cho 15 cán bộ Cảnh sát biển Việt Nam, hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, thông qua các bài giảng và thực hành kiểm tra tại chỗ đối với tàu nhập cảnh, khám xét trên tàu và điều tra ban đầu khi phát hiện hàng cấm và các hoạt động thu thập thông tin để phát hiện tội phạm tiềm ẩn, đặc biệt đối với các cục cảnh sát biển tại các địa phương, nơi tiềm ẩn các vụ buôn bán trái phép chất ma túy.
Trong khóa học, tổ hợp tác lưu động trực thuộc bộ phận chuyên hỗ trợ nâng cao năng lực cho các đơn vị bảo vệ bờ biển các quốc gia khác của JCG đã trình bày các bài giảng cùng các bài thực hành về “Dự đoán trôi dạt” và “Thực thi pháp luật trên biển”.
Vào ngày cuối cùng của khóa đào tạo, Đoàn đã có buổi chào xã giao với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tại Hà Nội. Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Đại tá Vũ Trung Kiên, đã đánh giá rất cao sự hợp tác hỗ trợ của JICA nói chung, cũng như chương trình tập huấn lần này tại Bộ Tư lệnh Vùng 4 Cảnh sát biển. Phó Tư lệnh hy vọng trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tập huấn với nội dung phong phú, hữu ích.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động đào tạo cho tới nay được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, và đây là lần đầu tiên được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm huấn luyện của Cảnh sát biển tại Phú Quốc.
Cùng với hoạt động cung cấp tầu tuần tra biển của Dự án vốn vay “Tăng cường năng lực đảm bảo an ninh an toàn trên biển Việt Nam”, các hoạt động hợp tác của Jica hướng tới nâng cao năng lực cứu nạn cứu hộ và thực thi pháp luật trên biển nhanh chóng và phù hợp, đảm bảo tự do hàng hải và an ninh an toàn cho lãnh hải Việt Nam, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) số 14 và 16, góp phần vào hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.