Jica tìm hiểu chất lượng thực tập sinh từ Nhật Bản về làm việc tại Việt Nam

Ngày 27/6/2022 vừa qua, ông Ishimaru Hiroki, Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam đã tới thăm và làm việc tại Công ty cổ phần Thương mại & Phát triển Công nghệ PMA nhằm tìm hiểu vai trò, thực tế công việc và kỳ vọng nghề nghiệp của các thực tập sinh đã hoàn thành chương trình thực tập kỹ năng từ Nhật Bản trở về nước làm việc tại doanh nghiệp.

PMA hiện có 3 thực tập sinh đang làm việc tại Phòng Kinh doanh. Đây cũng là doanh nghiệp đã tích cực hỗ trợ JICA trong buổi giao lưu nằm trong khuôn khổ “Khóa đào tạo phát triển năng lực cho thực tập sinh kỹ năng và người Việt Nam có giấy phép lao động tại Nhật Bản”, do nền tảng tiếp nhận lao động nước ngoài có trách nhiệm (JP MIRAI) phối hợp với các doanh nghiệp hội viên và các tổ chức phi lợi nhuận như Hiệp hội hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản Tomoiki tổ chức từ ngày 26/7/2021 - 17/9/2021.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PMA hào hứng chia sẻ về các yếu tố và kinh nghiệm cần thiết để làm việc với doanh nghiệp Nhật Bản. Trong đó, nhân sự có hiểu biết về tác phong, phương thức làm việc của doanh nghiệp Nhật Bản và giao tiếp được bằng tiếng Nhật là rất cần thiết. Lương Thanh Tú là một trong ba nhân viên kinh doanh đáp ứng được yêu cầu này.

1-1659164808.jpg
Ông Ishimaru Hiroki, Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PMA và cựu thực tập sinh tại Nhật Bản Lương Thanh Tú.

Thông qua tuyển dụng qua mạng xã hội, Tú vào làm việc tại PMA được hơn 1 năm nay, và rất hài lòng với công việc hiện tại của mình là tiếp nhận, xử lý đơn hàng, hỗ trợ khách hàng Nhật Bản hiện có và khai thác khách hàng mới cho công ty. Tú vốn là thực tập sinh kỹ năng ngành in ấn, sống và làm việc tại tỉnh Gifu và Aichi trong 5 năm theo chương trình thực tập kỹ năng số 1 (3 năm), số 2 (2 năm). Với trình độ tiếng Nhật N2 và có kiến thức về sản xuất, 5S, quản lý hạn giao nhận hàng. Khi về nước, Tú nhanh chóng bắt nhịp tốt với công việc tại PMA.

Anh Lương Thanh Tú cũng thừa nhận mình là một thực tập sinh về nước may mắn khi đã tìm được công việc phù hợp với nguyện vọng của bản thân. Thời điểm mới trở về Việt Nam, không ít lần đã từng định quay lại Nhật Bản làm việc do mức lương và công việc trong nước không đáp ứng kỳ vọng. Tuy nhiên, Covid-19 khiến việc quay lại Nhật Bản khó khăn cũng là một lý do thúc đẩy Tú tích cực tìm việc trong nước và tìm được công việc hiện tại. Mặc dù công việc này không liên quan đến công việc đóng sách trong ngành in ấn mà Tú đã làm trong thời gian thực tập kỹ năng, Tú vẫn đang nỗ lực hàng ngày để mở rộng khách hàng bằng cách sử dụng kỹ năng tiếng Nhật đã học tại Nhật của mình và tương lai Tú cũng mong muốn hướng tới công việc quản lý nhờ vận dụng các kỹ năng đã và đang được tích lũy. Ví dụ của Lương Thanh Tú cũng là một ví dụ điển hình về mục tiêu hỗ trợ nguồn nhân lực về nước của JICA (nguồn nhân lực mang những kỹ năng họ đã học được ở Nhật Bản về nước để nâng cao nghề nghiệp của họ). 

“Thực tập sinh về nước được PMA đánh giá cao về sự chăm chỉ, hiểu biết về doanh nghiệp Nhật Bản, có vốn tiếng Nhật, nhưng tỷ lệ kết nối và tuyển dụng thành công vào doanh nghiệp trong nước còn chưa cao. Lý do được đưa ra là sự chênh lệch về yêu cầu của doanh nghiệp và kỳ vọng của thực tập sinh về nước. Doanh nghiệp muốn tuyển thực tập sinh về nước nhưng mức lương kỳ vọng còn cao so với mặt bằng lao động trong nước, trong khi các kỹ năng chuyên môn học hỏi tại Nhật Bản khác biệt với ngành nghề của doanh nghiệp hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn để đạt được mức lương mong muốn”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.

2-1659164845.jpg
Buổi giao lưu trong khóa đào tạo phát triển năng lực cho thực tập sinh kỹ năng và người Việt Nam có giấy phép lao động tại Nhật Bản.

Câu chuyện cơ hội việc làm của thực tập sinh về nước cũng là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ 2 nước Việt Nam và Nhật Bản. Hiện có khoảng 200.000 thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Mặc dù hiện đã có kỳ thi năng lực tiếng Nhật để kiểm tra năng lực tiếng Nhật, nhưng hai nước cũng cần có một cơ chế kiểm chứng hoặc chấp nhận bằng cấp khách quan tại Việt Nam cho các kỹ năng kỹ thuật mà thực tập sinh đã học tại Nhật Bản. Thực tập sinh kỹ năng vốn không có bằng cấp học vấn cao và cũng khó tìm được công việc mong muốn khi về nước nên việc học tập đạt bằng cấp và đào tạo lại kỹ năng thông qua đào tạo từ xa là rất cần thiết. 

Nhật Bản đang xem xét dành nguồn ODA để đóng góp vào phát triển nguồn nhân lực công nghiệp thông qua các hỗ trợ như thế về sau. Trong những năm gần đây, JICA đã và đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động phát triển nguồn nhân lực công nghiệp tại Việt Nam để mang lại lợi ích thiết thực cho thực tập sinh sau khi về nước.

Được biết, nền tảng tiếp nhận lao động nước ngoài có trách nhiệm (JP-MIRAI) được thành lập tháng 11/2020 bởi các công ty và tổ chức ngành nghề tiếp nhận lao động nước ngoài, liên đoàn lao động, xã hội dân sự, truyền thông và các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Liên minh Toàn cầu về Chuỗi Cung ứng Bền vững (ASSC) cùng làm Ban thư ký, nhằm giải quyết các vấn đề về lao động và xã hội đối với lao động nước ngoài tại Nhật Bản thông qua hợp tác của các bên có liên quan.

Đạm Quang Lê