Tại hội nghị thường niên ở Boston (Mỹ), Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) Willie Walsh cho biết cơ quan này đang hướng tới mục tiêu "không phát thải carbon" vào giữa thế kỷ này. Đây là một mục tiêu táo bạo song cần thiết khi đối mặt với tình trạng ấm lên trên toàn cầu.
Với việc đáp ứng các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, IATA cho rằng chương trình cắt giảm lượng lớn khí thải sẽ không kéo theo việc cắt giảm quy mô hoạt động của các hãng hàng không.
Sebastian Mikosz, Phó Chủ tịch IATA phụ trách các vấn đề môi trường và phát triển bền vững, nhấn mạnh mục tiêu chính là tiếp tục phát triển, khi kẻ thù không phải là giao thông mà chính là khí thải. Mặc dù vận tải hàng không đã chịu thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, với sự sụt giảm từ 4,5 tỷ lượt khách năm 2019 xuống 1,8 tỷ lượt vào năm 2020, song IATA ước tính rằng vào năm 2050, hơn 10 tỷ chuyến bay mỗi năm sẽ được thực hiện bằng máy bay.
Theo IATA, lĩnh vực hàng không phát thải 900 triệu tấn CO2/năm. Đến năm 2050, nếu không hành động để giảm khí thải, con số này sẽ tăng lên 1,8 tỷ tấn. Mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đặt ra một thách thức công nghệ to lớn mà IATA ước tính sẽ khiến các công ty tiêu tốn khoảng 1.550 tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2050.
IATA nói rằng giải pháp chính nằm ở việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Điều này sẽ cho phép ngành hàng không đạt được 65% mục tiêu đề ra. Theo ước tính, SAF có thể giảm 80% lượng khí thải CO2 so với xăng máy bay. Airbus và Boeing đã cam kết rằng các đội bay của họ sẽ có thể sử dụng 100% SAF trên các chuyến bay vào năm 2030./.