Huy động nguồn lực cho công tác bảo tồn và phục hồi thiên nhiên

Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao thế giới. Tuy nhiên, trải qua nhiều thập kỷ khai thác và sử dụng quá mức và các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép đã khiến diện tích tự nhiên trên cạn, vùng ngập nước và vùng biển bị thu hẹp. Cũng vì các tác động đó, nhiều loài động thực vật đã suy giảm nghiêm trọng, một số loài dã tuyệt chủng và sắp tuyệt chủng trong tương lai gần.

Trong khuôn khổ của Hội thảo “ Xã hội hóa nguồn lực cho phục hồi thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu”, PGS. TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) khẳng định, Việt Nam là quốc gia có đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, Việt Nam đồng thời cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tình trạng gia tăng dân số, nhu cầu đời sống ngày càng tăng cao, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội đã chia cắt, phân mảnh và làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, đẩy nhiều loài động thực vật hoang dã đến bờ tuyệt chủng.

Sở hữu giá trị đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái đặc trưng nhưng hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học còn khá nhiều bất cập. Báo cáo “Đánh giá đa dạng sinh học tại Việt Nam” được WWF công bố năm 2021 cho thấy hiện có khoảng 21% các loài thú, 6,5% các loài chim, 19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 38% các loài cá và 2,5% các loài thực vật có mạch đã bị đe dọa.

Trong gần 20 năm trở lại đây, các khu vực có rừng là sinh cảnh bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.544 km2 diện tích đất rừng đã bị mất, chủ yếu do chuyển đổi thành đất rừng trồng và đất trồng cây ăn quả. Khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên cũng đã bị mất do chuyển đổi sang phát triển các loài cây trồng thương mại khác (WWF, 2021). Theo ước tính của Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, rừng nguyên sinh của Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 0,57 triệu ha và chỉ 1% các rạn san hô có độ phủ trên 75%.

TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường, VUSTA cho biết, nhiều năm qua VUSTA và các hội thành viên, các đơn vị Khoa học và Công nghệ đã tổ chức truyền thông về vai trò của đa dạng sinh học và ý nghĩa của Ngày Đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới (8/6). Bên cạnh đó, VUSTA cũng tiến hành các hoạt động tuyên truyền về Ngày Đa dạng sinh học thông qua các hình thức khác như viết bài đăng báo giấy, báo điện tử, treo áp phích, tranh cổ động, in tờ rơi, phát áo, mũ có hình ảnh, logo tuyên truyền.

Các hội thành viên, các đơn vị Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh việc phổ biến các kết quả thực hiện trong các hoạt động về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua hệ thống báo chí, xuất bản trong và ngoài hệ thống, các tổ chức thuộc VUSTA đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững cho cộng đồng dân cư.

theo-1687698049.jpg
Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được đánh giá là sáng kiến xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường quan trọng nhất của VACNE.

TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được đánh giá là sáng kiến xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường quan trọng nhất của VACNE. Theo đó, sự kiện Bảo tồn Cây Di sản được VACNE phát động từ năm 2010 và ngày càng được cộng đồng hưởng ứng rầm rộ từ khi phát động tới nay, Hội đã công nhận số lượng trên 6.000 Cây Di sản, thuộc trên 130 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm.

Cây Di sản đã có mặt tại 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ngoài hải đảo. Sự kiện được các thành phần xã hội, các tầng lớp nhân dân khắp nơi hưởng ứng, nhiều cơ quan truyền thông, phóng viên báo, đài trong, ngoài nước thường xuyên đưa tin. Địa điểm các Cây Di sản trở thành các điểmsinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Đồng thời, Cây Di sản cũng góp phần phát triển du lịch, hỗ trợ sinh kế, nâng cao mức sống người dân và mở ra hướng chăm sóc sức khỏe, kéo dài tuổi thọ cổ thụ như kết luận của các hội thảo tại Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng.

Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam bảo vệ được hàng nghìn cây cổ thụ mà không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Trong khi mỗi cổ thụ cần khoảng 10 triệu đồng để chăm sóc trong 1 năm như một số địa phương đang phải đầu tư, thì hơn 5.400 Cây Di sản ( lúc này đã là hơn 6.000 ) đã được công nhận hoàn toàn không đòi hỏi kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước mà đạt hiệu quả cao, hoạt động chăm sóc, bảo vệ Cây Di sản rất bền vững. Sự kiện Cây Di sản tạo cơ hội có thêm việc làm,sinh kế mới ở một số địa phương, làm tăng nguồn thu nhập nhờ phát triển du lịch, thăm quan ở nhiều cộng đồng dân cư nơi có cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hà (Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển) cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực nhằm hạn chế suy thoái và bảo tồn các hệ sinh thái, loài và vùng cảnh quan có giá trị thông qua ban hành chính sách, chiến lược và quy định về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, biến và giá trị đa dang sinh học.

Tuy nhiên, suy thoái đa dạng sinh học vẫn đang là một thách thức rất lớn, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của cả xã hội bao gồm nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự, cộng, các doanh nghiệp và hỗ trợ quốc tế. Do đó, để có được nguồn lực cần thiết cho quản lý, bảo tồn hiệu quả các giá trị đa dạng sinh học sẽ cần có một chiến lược cụ thể về cách huy động các nguồn lực cần thiết để thực hiện và duy trì các hoạt động bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái, loài đã bị suy thoái một cách kịp thời và hiệu quả nhất.

Đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học và đặc biệt là phục hồi các hệ sinh thái, phục hồi các loài nguy cấp cần nguồn lực lớn và thời gian. Mặc dù cần đầu tư lớn và lâu dài, xong các kết quả thường khó có thể đo tính được một các cụ thể, rõ ràng trong ngắn hạn, chính vì thế, đối với các nước nghèo, nước đang phát triển thì các chi phí đó khó có thể được ưu tiên do nguồn lực đang được dành cho các hoạt động khác như hạ tầng, y tế, giáo dục, phát triển nông thôn...

Bên cạnh các khó khăn về vốn, các chương trình ưu tiên cho ĐDSH và bảo tồn loài thì việc thiếu các định mức kinh tế, kỹ thuật cho công tác bảo tồn cũng là một cản trở lớn cho các nỗ lực đầu tư, chi cho các đa dạng sinh học, đặc biệt là bảo tồn loài. Hiện tại thiếu các hướng dẫn và định mức cho công tác bảo tồn ĐDSH, đặc biệt các định mức cho điều tra, quan trắc, các hoạt động cứu hộ, tái thả, phục hồi, nuôi, trồng bảo tồn.

Thực tế, nguồn tài chính cho quản lý và bảo tồn loài hoang dã nguy cấp quý hiếm phụ thuộc phần lớn vào tài trợ quốc tế, ngân sách nhà nước chỉ mới chi cho các hoạt động nghiên cứu cơ bản, không thường xuyên và ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của dự án BIOFIN, việc chi cho ĐDSH luôn dưới 1% tổng ngân sách nhà nước. Do vậy, nguồn tài chính cho công tác bảo tồn luôn thiếu và sử dụng không hiệu quả và thiếu chiến lược đầu tư và huy động rõ ràng.

Hiện chưa có quy định về quỹ, hay dòng ngân sách cho ĐDSH nói chung và loài hoang dã nguy cấp quý hiếm nói riêng. Điều 73, Luật ĐDSH 2008 và Điều 17, Nghị định 160/2013/NĐ-CP quy định về các nguồn tài chính cho bảo tồn và phát triển loài thuộc Danh mục loài ưu tiên bảo vệ, nhưng không đề cập đến việc thành lập các quỹ như Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng theo Luật Lâm Nghiệp, Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi theo Luật Thủy sản do vậy, hiện vẫn chưa có các dòng ngân sách hay một quỹ nào để hoạt động riêng cho ĐDSH.

Việc thiếu, hạn chế về nguồn lực, tài chính dẫn đến hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và đặc biệt là các hoạt động bảo tồn loài gặp rất nhiều khó khăn, do vậy các hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ. Nhiều dự án bảo tồn loài thực hiện dang dở, không liên tục hoặc không có chiến lược rõ ràng do không đủ kinh phí. Cũng do thiếu các dòng ngân sách chính thống cho Đa dạng sinh học nên cơ sở vật chất, hạ tầng các khu bảo tồn, khu cứu hộ bị xuống cấp, một số loài ngoại lai xâm hại phát triển quá mức mà không được xử lý triệt để gây nguy hại cho loài bản địa và làm thay đổi hay suy thoái các hệ sinh thái.

Trong công tác quản lý và bảo tồn ĐDSH chỉ quy định nguồn ngân sách là chính, chưa có định hướng hay các chính sách xã hội hóa công tác đầu tư cho đa dạng sinh học và bảo tồn loài để huy động nguồn lực từ các nguồn khác. Thêm và đó là thiếu các chính sách khuyến khích, huy động nguồn tài chính từ các quỹ, các định chế tài chính và tổ chức để hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học do đó chưa thu hút và khuyến khích được các nguồn hỗ trợ cho bảo tồn để bù đắp phần thiếu hụt từ ngân sách.

Đầu tư cho đa dạng sinh học cần mang tính lâu dài và cần chiến lược dài hơi có tính linh hoạt cao tạo cơ hội cho tất cả các bên tham gia đóng góp, đầu tư. Bên cạnh sự đầu tư dài hạn và chủ đạo của ngân sách tập trung yếu cho đầu tư công, duy trì quỹ lương, các hoạt động cơ bản của hệ thống hành chính/quản lý. Để hỗ trợ và giảm gánh nặng đầu tư công, Việt Nam cũng cần tận dụng tối đa các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước không đáp ứng đủ cho bảo tồn ĐDSH thì bắt buộc phải có một cơ chế tài chính mới, chính sách mới để thu hút được các nguồn lực bổ sung cho thiếu hụt đó một cách lâu dài và bền vững hơn. Các cơ chế thu hút đó cần có cách hoạt động sáng tạo, linh hoạt và có lợi cho người đóng góp nhằm tạo ra một nguồn lực mới, bù đắp cho các thiếu, hụt từ đầu tư cho ĐDSH từ ngân sách.

bao1-1687698033.jpg
Huy động nguồn lực cho công tác bảo tồn và phục hồi thiên nhiên là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn lực lực từ khối doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh và đóng góp từ người dân Việt Nam sẽ là những nguồn lực quan trọng nhất và bền vững nhất đa dạng sinh học của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có chiến lược và kế hoạch cho việc huy động sự tham gia và đóng góp từ khối doanh nghiệp, hộ kinh doan và người dân cho công tác bảo tồn ĐDSH, rõ ràng nguồn lực quan trọng và bền vững này vẫn đang bị bỏ quên, mà chưa phát huy được tác dụng to lớn của mình.

Chi trả dịch vụ hệ sinh thái là một nguồn lực lớn và quan trọng nhất đã được xác định như một phần quan trọng nhất trong cơ chế tài chính bền vững cho ĐDSH. Loại hình chi trả này ở Việt Nam bước đầu đã được áp dụng và rất thành công đối với hệ sinh thái rừng. Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng đang là một nguồn lực phi ngân sách lớn nhất cho ngành Lâm nghiệp.

Chi trả DVMTR giúp gia tăng nguồn thu cho chủ rừng, giảm nhẹ gánh nặng lên ngân sách Nhà nước, và nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tạo thu nhập và sinh kế cho nhiều cộng đồng miền núi. Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2019 đạt hơn 12.510 tỷ đồng, bình quân trên 1.200 tỷ đồng/năm, tổng thu từ chi trả dich vụ môi trường rừng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Tiếp nối thành công của hoạt động chi trả DVMTR, cần mở rộng hình thức chi trả này cho các dịch hệ sinh thái khác để tạo nguồn thu cho việc bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái và các loài hoang dã. Các hình thức chi trả khác có thể thực hiện được sớm như du lịch, nước công nghiệp và thị trường tìn chỉ hấp thụ và giảm phát thải các-bon.

Các chi trả đó sẽ tạo ra một nguồn lực lớn và bên vững cho các hoạt động bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái, phục hồi các loài nguy cấp mà hiện nay ngân sách vẫn chưa thể đầu tư được. Có được nguồn chi trả này cũng giúp giảm gánh nặng ngân sách cho ĐDSH và nguồn lực đó có thể được sử dụng cho các vấn đề cấp thiết hơn. Để tạo ra một nguồn tài chính ổn định và bền vững cho bảo tồn ĐDSH và đặc biệt là công tác bảo tồn các loài hoang dã Việt Nam cần có cácđịnh hướng rõ ràng về chính sách tài chính và chiến lược huy động các nguồn lực cho ĐDSH. Ngân sách vẫn sẽ đóng vai trò chủ đạo cho các hoạt động quản lý, điều phối, duy trị bộ máy; các nguồn xã hội hóa sẽ được vận động để hỗ trợ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, các loài.

Để có được nguồn vốn ngân sách liên tục và dài hạn cho bảo tồn ĐDSH thì cần có được một dòng ngân sách chính thống và chính sách đầu tư dài hạn cho ĐDSH. Ngoài ra, việc xây dựng và ban hành các định mức tài chính, kỹ thuật cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học cần hoàn thiện trong thời gian sớm nhất để làm căn cứ cho việc xây dựng hướng dẫn lập ngân sách. Để bổ trợ và dần thay thế các đầu từ từ ngân sách cho công tác bảo tồn ĐDSH thì việc xây dựng chiến lược huy động nguồn lực cho ĐDSH và kế hoạch thực hiện chiến lược đó cũng cần phải được xem như các hoạt động ưu tiên nhất cho giai đoạn 2022-2025.

Căn cứ vào chiến lược, thiết lập các hình thức huy động nguồn lực mới, linh hoạt và thông minh từ các nguồn xã hội hóa thông qua đóng góp từ doanh nghiệp, hộgia đình kinh doanh và người dân với cơ chế sử dụng hiệu quả và minh bạch. Ngoài ra, dựa trên những thành công của chi trả dịch vụ môi trường rừng, thúc đẩy và mở rộng chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái khác như nước công nghiệp, du lịch, nuôi trồng thủy sản và hấp thụ và lưu trữ các-bon.

Thúc đẩy các cơ chế quỹ, định chế tài chính mới trong thu hút đầu tư, đóng góp cho ĐDSH thông qua việc thiết lập các quỹ công-tư về đa dạng sinh học như quỹ Bảo tồn ĐDSH Việt Nam, Quỹ phục hồi hệ sinh thái và loài hoang dã... dựa vào kinh nghiệm từ các quỹ Ủy thác ngành lâm nghiệp (TFF), Quỹ bảo tồn Việt Nam (VCF) và Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng (VNFF). Có được các cơ chế đóng góp, quản lý hiệu quả và minh bạch là chìa khóa cho việc thu hút các đóng góp từ các nguồn trong và ngoài nước một cách lâu dài. Với nguồn lực đó, việc đầu tư cho ĐDSH sẽ được thực hiện một cách chiến lược và hiệu quả nhất cho công tác Bảo tồn ĐDSH và đặc biệt là cho các nỗ lực bảo vệ, phục hồi các loài hoang dã đang bị đe dọa.