Hương vị quê nhà: Cơm nắm mo cau

      Cơm nắm là thứ bà con nông dân ta rất ưa chuộng. Cơm nấu dẻo, vừa chín tới, mở vung nồi bốc hơi nghi ngút, xơi cơm cho vào mo cau, bóp đi bóp lại cho hạt cơm nhuyễn, mịn, rồi nắm thành từng nắm

Để khô là thành. Có thể nắm thành hình tròn như cái bánh tày, hoặc dẹt tùy sở thích mỗi người. Muốn cơm nắm ngon (tức là phải rất mịn, chứ không thể còn những hạt cơm lổn nhổn), yếu tố đầu tiên là cơm phải thật dẻo, có thể hơi nát một chút, rồi đến kỹ thuật nắm. Hai bàn tay người nắm phải bóp cơm cho đều, rồi nắm theo hình đã định từ trước (tròn, dài, dẹt v.v…). Có thể nắm cơm bằng khăn mặt sạch thấm ướt. Nhưng tốt nhất là bằng mo cau. Chiếc bẹ cau vàng khô khi rơi xuống, cắt lấy cái mo, rồi tước bớt cho mỏng. Trước khi nắm, nhúng mo cau vào nước cho mềm. Nắm cơm bằng mo cau sẽ mịn đều hơn bằng khăn.

com-nam4605-1636092695.jpg
Có thể nắm cơm bằng khăn mặt sạch thấm ướt

          Cơm nắm thường ăn với muối vừng. Muốn ngon miệng hoặc có thêm chất thì có thể ăn với giò, chả, ruốc hoặc tôm rang. Cũng là cơm nhưng nắm lại rồi lấy dao cắt thành từng lát, cũng ăn cùng với một thức ăn nhưng ăn miếng cơm nắm ngon hơn hẳn cơm hột đơm vào bát. Không có vừng, dò, chả, ruốc thì chấm cơm nắm với nước mắm, nước tương cũng rất dễ ăn.

          Bà con nông dân đi làm đồng thường mang theo cơm nắm, nhất là ra những cánh đồng xa nhà, trưa không thể về, lúc đói thái cơm nắm ra ăn, vừa vui, lại ngon miệng. Ngày trước, trong các cuộc kháng chiến chống giặc, mỗi khi bộ đội hành quân qua làng, bà con ta thường nắm cơm tặng, làm lương thực cho các anh dùng trên chặng đường xông pha trận mạc. Ăn miếng cơm từ những chiếc mo cau, lòng các anh cảm thấy ấm áp như được ăn cơm cùng những người ruột thịt trong ngôi nhà của mình. Riêng tôi, mỗi lần ăn cơm nắm, lại nhớ đến mẹ ngày trước vẫn nắm cơm cho tôi mang theo đến trường để khi tan học, trên đường về sẽ ăn vì ngày ấy tôi đi học xa đến chục cây số, nếu về nhà ăn cơm nấu thì sẽ rắt đói bởi có khi phải 2-3 giờ chiều mới về tới nhà.

com-nam-24606-1636092763.jpg
Bà con nông dân đi làm đồng thường mang theo cơm nắm

          Chuẩn bị cho người nhà lên tàu xe, đi đâu xa, thường bà con không quên nắm cơm để họ mang theo, ăn cho chắc dạ, vì không có bất cứ thứ quà bánh nào, dẫu ngon đến mấy cũng chẳng thể bằng cơm tẻ. Chồng, con ăn miếng cơm nắm do vợ, mẹ tạo nên, ngoài cái ngon tự nhiên, còn thấy ấm lòng bởi tình nghĩa sâu nặng của người ruột thịt, giản dị mà nồng nàn, thân thương.

          Cơm nắm chẳng những là món ăn quen thuộc của người nông dân mà nhiều người thành phố cũng ưa chuộng. Đó là những người có xuất xứ từ nông thôn, có nhiều kỷ niệm gắn với quê nhà. Nhưng chẳng có hiệu nào bán món ăn này mà chỉ thỉnh thoảng có ở những người bán rong từ các miền quê ra. Họ thường bán cùng bánh dày kẹp giò, chả. Cũng không phải ai ở thành phố cũng có thể được ăn vì những người bán rong này rất ít, chỉ có ở một vài đường phố nào đó mà thôi. Cơm nắm bây giờ mua của những người bán rong này không còn được nắm bằng mo cau nữa mà bằng máy. Cơm nắm bằng máy thì đều và mịn hơn nhưng không có vị đặc biệt như cơm nắm mo cau truyền thống ./.

  Nguyễn Đình San