Sau một thời gian dài đóng cửa bầu trời vì dịch bệnh và sau 3 tháng thí điểm thành công đón khách quốc tế theo chương trình hộ chiếu vaccine, từ 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế. Những chuyến bay sẽ lại tấp nập: gồm cả các tour đón khách quốc tế đến Việt Nam và tổ chức tour cho người Việt Nam đi du lịch nước ngoài.
Đây thực sự là một quyết định mang tính bước ngoặt kịp thời cho những người làm du lịch, cơ hội để Việt Nam sớm phục hồi ngành công nghiệp không khói.
Từng phải làm shipper giao hàng, bảo vệ hay nhiều công việc khác để duy trì cuộc sống, hướng dẫn viên du lịch giờ hào hứng quay lại nghề khi thị trường mở cửa.
Sau thời gian dài làm shipper giao hàng rồi bảo vệ, anh Phạm Tiến Hữu (sinh năm 1989, Hà Nội) vui mừng khi được quay trở về với công việc chính của mình là hướng dẫn viên du lịch.
Theo anh Hữu, sau khi du lịch Việt Nam được mở cửa hoàn toàn, nhiều đơn vị lữ hành liên hệ giao khách cho anh dẫn tour, lượng khách tăng mạnh giúp những hướng dẫn viên du lịch như anh lại bận rộn như xưa.
Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội nói: “Do thời gian mở cửa chưa lâu nên nhiều điểm du lịch ở các địa phương chưa chuẩn bị kịp để có những dịch vụ tốt nhất. Những người tổ chức tour như chúng tôi phải rất vất vả trong việc kết nối với điểm du lịch địa phương và thông tin tới khách hàng, cũng như thường xuyên cập nhật thay đổi về giá cả hay hành trình tour. Tất cả đều mong thị trường ổn định, bùng nổ trong thời gian tới để ngành du lịch ngày càng khởi sắc hơn”.
Việc mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế giữa tháng 3 được đánh giá là đúng điểm rơi khi độ phủ vaccine của Việt Nam lọt top 6 nước trên thế giới. Nhiều tỉnh, thành có các trung tâm du lịch lớn đã phủ vaccine mũi 3 lên đến trên 95%.
Thay vì 7 tỉnh thành thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình hộ chiếu vaccine, một loạt địa phương có tiềm năng du lịch cũng đang sẵn sàng mọi phương án về nhân lực vật lực, cơ sở hạ tầng, cả những gói kích cầu dành cho khách quốc tế.
Du lịch Đà Nẵng đã sẵn sàng mở cửa trở lại với 2 thông điệp chính: "Đà Nẵng đón bạn trở lại" và "Tận hưởng Đà Nẵng". Hiện 45% số cơ sở lưu trú, 150 đơn vị lữ hành đã hoạt động trở lại. Tín hiệu đáng mừng là thành phố biển này sẽ đón đoàn khách quốc tế đầu tiên vào ngày 27/3 của hãng hàng không Singapore Airlines.
Để chuẩn bị đón khách quốc tế, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cũng bắt đầu khai thác sản phẩm gắn với đường thủy như: tour Bạch Đằng đi Củ Chi, Cần Giờ; du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, xa hơn nữa là tour du lịch bằng trực thăng ngắm thành phố từ trên cao…
Trong khi đó, tại Nha Trang, dự kiến vào tháng 4, Vinpearl Submarine Nha Trang - tàu ngầm du lịch toàn kính với tầm nhìn vô cực 360o đầu tiên và duy nhất trên thế giới sẽ chính thức ra mắt, bên cạnh Tata Show - vở diễn thực cảnh đa phương tiện đẳng cấp quốc tế với phần trình diễn mãn nhãn của 150 diễn viên trong nước và quốc tế. Đồng thời, với lợi thế biển đảo, Khánh Hòa lựa chọn du lịch sức khỏe là hướng đi đón đầu.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực khi ngành thị trường đang phục hồi, vẫn còn nhiều khó khăn mà hướng dẫn viên du lịch đang phải đối mặt. Sau thời gian dài đóng cửa vì COVID-19, cơ sở vật chất tại nhiều điểm du lịch địa phương rất thiếu thốn, khiến du khách không thể được hưởng những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất. "Hiện nhiều cơ sở ăn uống hay nghỉ dưỡng chưa mở lại như xưa. Mấy hôm trước, tôi dẫn đoàn khách đi tham quan một điểm du lịch ở Cao Bằng, chỉ duy nhất một nhà hàng mở cửa, dịch vụ ăn uống không đa dạng như trước làm tour của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng về chất lượng”, anh Ban một hướng dẫn viên du lịch người Nam Định chia sẻ.
Những "liên minh" nghỉ dưỡng - hàng không - dịch vụ - lữ hành lớn mạnh, đáp ứng các chuyến bay nguyên chuyến, bay thương mại xuyên suốt quốc tế và nội địa, đưa du khách tới các điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Mục tiêu trong năm 2022, Việt Nam đón từ 5 - 6 triệu lượt khách quốc tế. Khách nội địa khoảng 60 triệu lượt.