Quý I/2023, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 20,63 tỷ USD

Theo báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông - NN&PTNT), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,6 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát nhưng giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao.

Báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,6 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,2 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ 2022; nhập khẩu ước đạt 9,4 tỷ USD, giảm 7,2%. Ngành nông nghiệp xuất siêu 1,8 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) đánh giá, trước những khó khăn và thuận lợi năm 2023 phải đối mặt, những kết quả đạt được trong quý I/2023 là tương đối khả quan. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) của khu vực nông, lâm, thuỷ sản quý I ước đạt 2,52% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, trồng trọt tăng 1,2%, chăn nuôi tăng cao 4,7%, thủy sản tăng 2,68% và lâm nghiệp tăng 3,66%.

Lúa gạo và rau quả là 2 nhóm ngành hàng có kết quả sản xuất cao nhất trong quý I/2023. Trong đó, ngành lúa gạo vừa được mùa vừa được giá, sản lượng lúa đạt khoảng 9,1 triệu tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022; năng suất lúa đạt 67,1 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha. Giá lúa trong nước tăng và gạo xuất khẩu ở mức cao 530 USD/tấn. Nhóm rau quả đạt tốc độ tăng trưởng từ 1,9 - 27,8%.

hop-bao-a-1680495160.jpg
Họp báo thường kỳ quý I và một số nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023 của Bộ NN&PTNT. (Ảnh: mekongasean)

Trong quý I/2023, khó khăn lớn nhất mà ngành Nông nghiệp phải đối mặt đến từ thị trường cả trong nước và ngoài nước. Năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 53,53 tỷ USD, giá trị xuất khẩu quý I/2023 đã giảm 14,4%, trong đó thủy sản giảm 29% (mức giảm mạnh nhất), lâm sản giảm 28%. Sức mua thị trường trong nước giảm kể từ sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, giá cả vật tư nông nghiệp tiếp tục ở mức cao, tuy không tăng mạnh như năm 2021 và 2022 nhưng vẫn là một trở ngại lớn của ngành, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết thêm.

Ghi nhận cho thấy, những mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái là: gạo đạt 952 triệu USD (tăng 30,2%); nhóm rau quả đạt 935 triệu USD (tăng 10,6%); hạt điều đạt 708 triệu USD (tăng 14,2%); sữa và sản phẩm sữa đạt 33,3 triệu USD (tăng 22,2%); thịt, phụ phẩm từ thịt đạt 37 triệu USD (tăng 80,1%),...

Về thị trường xuất khẩu, các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 48,8% thị phần, châu Mỹ 20,3%, châu Âu 12,8%, châu Đại Dương 1,4% và châu Phi 1,2%. Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần); đứng thứ 2 là Hoa Kỳ đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%); thứ 3 là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 936 triệu USD (chiếm 8,4%); thứ 4 Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 528 triệu USD (chiếm 4,7%).

Trong lĩnh vực trồng trọt, tính chung 3 tháng đầu năm, giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 1,21% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 59,5% tỉ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp chung. Đến nay, đã thu hoạch 1.355,4 nghìn ha lúa, tăng 5,9%, năng suất bình quân đạt 67,1 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 9,1 triệu tấn, tăng 7,6%.

Về chăn nuôi, 3 tháng đầu năm nay, dù dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt nhưng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi vẫn ở mức thấp trong khi giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Giá trị sản xuất chăn nuôi quý I tăng khoảng 4,69%, chiếm 35,2% tỉ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp chung; với sản lượng thịt hơi các loại chính đạt trên 1,9 triệu tấn, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước.

Thời tiết đầu năm nay tương đối thuận lợi đối với hoạt động trồng rừng và khai thác rừng trồng trên cả nước, nhờ vậy tăng trưởng lĩnh vực lâm nghiệp khá cao, ước đạt 3,66% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, có 718 chủ rừng quản lý 7,65 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp, 417 phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt, đạt 58% tổng số phương án cần phê duyệt.

Tăng trưởng lĩnh vực thủy sản quý I/2023 khoảng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản tháng 3 ước đạt 703,8 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 3 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 1.889,2 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm 11,2% trong quý I/2023 đang đặt ra yêu cầu đòi hỏi ngành nông nghiệp cần tháo gỡ mọi rào cản thị trường, có các giải pháp đồng bộ, linh hoạt để đạt được chỉ tiêu cải thiện trong quý tiếp theo. Theo đó, quý II/2023, ngành nông nghiệp, nông thôn xác định tập trung vào các giải pháp như sau:

Về trồng trọt, bảo vệ thực vật, theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi đề xuất chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.

Đối với chăn nuôi, thú y chú trọng kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, sắn), tập trung vào một số khu vực có tiềm năng như Tây Nguyên, miền núi phía bắc. Kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về thủy sản tại địa phương, chống khai thác IUU. Theo dõi diễn biến của thời tiết, dự báo ngư trường, nhu cầu của thị trường, kịp thời chỉ đạo sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản hiệu quả.

Về lâm nghiệp, theo dõi, đôn đốc các địa phương chuẩn bị đủ cây giống, hiện trường để trồng rừng theo kế hoạch, chủ động kiểm soát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; thông tin, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; chỉ đạo, đôn đốc hệ thống kiểm lâm cả nước thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng, bố trí lực lượng thường trực tại các vùng rừng có nguy cơ cháy cao.

Trong quý II/2023, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ với những mục tiêu khó khăn hơn, đặt mục tiêu tăng trưởng ngành đạt từ 3-3,5%, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 14 tỷ USD.

Để đạt được kết quả này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp bao gồm: Đảm bảo nguồn cung đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, chú trọng đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp tục tháo gỡ thị trường; giảm thiểu tác động của dịch bệnh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu công; và tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai Nghị định 105/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cần xem xét thị trường nào tiềm năng để tập trung ưu tiên mở cửa, thông qua các tham tán nông nghiệp, các đại sứ, tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi thăm cơ sở sản xuất, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. Trong tháng 4/2023, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới; tổ chức hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc; tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh, chuỗi sự kiện thực phẩm và đồ uống quốc tế tại Anh nằm trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Anh...

Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, sắn), tập trung vào một số khu vực có tiềm năng như Tây Nguyên, miền núi phía Bắc./.

Ánh Dương (t/h)