Có 250 ha chuyên canh rau, cho sản lượng hàng năm từ 35.000 - 37.000 tấn, năng lực sản xuất rau của Hợp tác xã rau an toàn Văn Đức, huyện Văn Đức, Hà Nội là có dư nhưng khả năng tiêu thụ hết lại chưa đáp ứng được.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Văn Đức cho biết, trung bình mỗi ngày hợp tác xã đưa ra thị trường từ 70 - 80 tấn rau các loại và cá biệt có những ngày thu gần 200 tấn rau. Các sản phẩm rau của hợp tác xã đều đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP và có quy trình kiểm tra rất khắt khe. Mặc dù vậy, khả năng tiêu thụ hiện nay vẫn chưa đáp ứng được năng lực sản xuất, do đó hợp tác xã luôn phải tìm kiếm, kết nối với nhiều nhà mua hơn để tăng khả năng tiêu thụ.
Hiện Hợp tác xã rau an toàn Văn Đức đã đầu tư được hệ thống sơ chế và bảo quản trên 2.200 m2 với dây chuyền chế biến và các kho lạnh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh cho rằng, hệ thống này vẫn không đáp ứng đủ được nhu cầu của hợp tác xã nên rất cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện về chính sách để mở rộng diện tích, đầu tư thêm hệ thống sấy hoặc đóng hộp nông sản.
Hay Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến tre được thành lập với sự hỗ trợ của dự án Phát triển Hợp tác xã Việt Nam (dự án VCED) về cơ sở vật chất, chính sách cho thuê đất, tìm kiếm thị trường… Tuy nhiên qua gần 5 năm thành lập, hợp tác xã vẫn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, sự thống nhất trong sản xuất với các thành viên…
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp bưởi da xanh Bến Tre cho biết, hợp tác xã đã xây dựng khu phức hợp gồm: văn phòng làm việc, nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm, nhà sơ chế đóng gói trái cây, nhà chế biến (nước ép), cửa hàng vật tư nông nghiệp với 4.000 m2. Nhưng khi cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động cũng như kinh doanh như: kho, mặt bằng vệ sinh đóng gói hàng… vẫn phải chờ xây dựng thì hợp tác xã không thể mua và tiêu thụ được một số lượng lớn sản phẩm đang có của thành viên.
Thêm vào đó, việc sử dụng phân bón và các vật tư nông nghiệp khác rất đa dạng lại mua được chỗ quen biết cũng khiến hợp tác xã chưa thể thuyết phục thành viên thống nhất quy trình hoặc loại vật tư nên hợp tác xã khó đáp ứng dịch vụ đầu vào.
Bà Nguyễn Thị Diễn Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) cho rằng, trong nhiều năm qua, các địa phương, hợp tác xã thường dư hàng rất nhiều trong khi doanh nghiệp lại thiếu hàng để bán. Bởi thiếu sự kết hợp để đưa hàng lên các kênh siêu thị hay xuất khẩu.
Nhưng để đưa được hàng lên các kênh tiêu thụ này, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho rằng, địa phương, hợp tác xã cần đầu tư hơn nữa trong khẩu sơ chế, đóng gói để doanh nghiệp có thể chỉ việc liên hệ với địa phương, hợp tác xã là có thể tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Hợp tác xã đã trồng được sản phẩm nhưng cần có đầu tư sơ chế, đóng gói, thậm chí có thể sấy. Các thành viên có thể đưa hàng đến các hợp tác xã để làm sơ chế, đóng gói, bảo quản.
Có lẽ cũng bởi đa phần hợp tác xã chưa tham gia, hay đầu tư nhiều vào công đoạn dịch vụ mà chỉ sản xuất đơn thuần nên vẫn chưa phát huy được hiệu quả, loay hoay đi tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, ước tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có trên 18.300 hợp tác xã nông nghiệp nhưng mới có trên 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến. Bên cạnh đó, tổng số vốn hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp khoảng 29.425 tỷ đồng, bình quân mỗi hợp tác xã khoảng 1,61 tỷ đồng. Trong khi đó, mới chỉ có từ 0,5% đến gần 2% số hợp tác xã tiếp cận được các chính sách hỗ trợ hạ tầng, tín dụng, ưu đãi về đất đai.
Vì thế, nhiều hợp tác xã bị thiếu vốn, không được hỗ trợ đất để làm trụ sở, kho bãi, nhà xưởng để tổ chức sản xuất, nhất là phục vụ sơ chế, chế biến.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, nhiều hợp tác xã có nhu cầu hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng, tuy nhiên do đất thực hiện dự án không có chứng nhận quyền sử dụng nên khó tiếp cận dự án. Đa số hợp tác xã có nhu cầu hỗ trợ để phát triển hạ tầng sản xuất đều gặp khó khăn về nguồn vốn đối ứng cũng như khó tiếp cận nguồn vốn vay hoặc bảo lãnh thực hiện dự án khi không có tài sản thế chấp.
Ông Lê Đức Thịnh cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện tốt việc xác nhận, chứng nhận tài sản trên đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến, kinh doanh của hợp tác xã.
Đồng thời, Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng thông qua việc bảo lãnh tín dụng, ưu đãi tín dụng. Ngoài ra, ông Thịnh đề nghị cần có cơ chế chính sách cho vay theo chuỗi giá trị với cơ chế đồng bảo lãnh tín dụng, đồng chia sẻ rủi ro giữa tổ chức tín dụng, doanh nghiệp liên kết.
Trước xu thế phát triển mới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, hợp tác xã phải tổ chức mô hình đa dịch vụ, đa mục tiêu, cung ứng theo chuỗi giá trị thì mới đảm bảo thu nhập cho các thành viên. Đồng thời định hướng đa chức năng cho hợp tác xã trong kinh tế thị trường.
Quan điểm phát triển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian tới là lấy hợp tác xã và thành viên của hợp tác xã là trung tâm để hỗ trợ chính sách và huy động nguồn lực cộng đồng để hợp tác xã tổ chức lại sản xuất trong điều kiện mới./.