Thông tin được đưa ra tại hội nghị trực tuyến ngày 18/5 về triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị Quyết 11 của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), cho vay hỗ trợ tạo việc làm chiếm phần lớn với trên 2.033 tỷ đồng, giúp hơn 58.000 lao động có việc; còn lại là giải ngân cho vay mua, thuê mua nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, cho học sinh, sinh viên mua máy tính và cho các trường mầm non, tiểu học vay hỗ trợ phục hồi sau dịch bệnh.
"Địa phương đã sẵn sàng rà soát đối tượng và chúng tôi vẫn chỉ đạo cho các chi nhánh trực thuộc phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát. Nếu có nhu cầu và đủ điều kiện thì thực hiện làm hồ sơ, chúng tôi sẽ giải ngân ngay. Năm nay, dự tính mục tiêu giải ngân trong chương trình tín dụng chính sách là 19.000 tỷ đồng", ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội, cho biết.
Các chương trình giải ngân qua Ngân hàng Chính sách trị giá khoảng 38.400 tỷ đồng trong năm nay và năm sau. Đây là một phần trong gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết ngành ngân hàng cần đẩy mạnh giải ngân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ.
"Cơ chế chính sách làm xong, chỉ còn chương tình cho vay ưu đãi để phát triển chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, miền núi, tôi đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế hướng dẫn nhanh, phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp để chúng ta có đầy đủ các nguồn, cùng với 4 chương trình khác để nhanh chóng đi vào cuộc sống", Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao việc NHCSXH đã chủ động tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ và Nghị quyết số 43 của Quốc hội về các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế. Đến nay, cơ bản những nội dung của Nghị quyết số 11 để thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội được thực hiện tương đối tốt. Nhiều chính sách, nhiều gói hỗ trợ được triển khai và đi vào thực tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng tình với các giải pháp trong thời gian tới mà các Bộ, ngành, địa phương và NHCSXH đưa ra; đồng thời đề nghị Uỷ ban Dân tộc và Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn ngay Nghị định 28/2022/NĐ-CP để làm rõ chính sách tín dụng ưu đãi đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Bộ Tài chính nhanh chóng tiếp thu sau khi xin ý kiến thành viên Chính phủ về Nghị định hướng dẫn hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay trên 6%; NHCSXH cần lưu ý cho vay đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đẩy mạnh mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tránh sơ suất về mặt khách quan; cấp ủy và chính quyền địa phương thực hiện tốt việc phối hợp với NHCSXH trong nhiệm vụ chính trị; Các cơ quan truyền thông, báo chí phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương và NHCSXH tăng cường công tác tuyên truyền, phản ánh đúng, đánh giá đúng và làm nổi bật những kết quả đạt được.