Cơ quan bảo hiểm xã hội tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước cho biết tình trạng quá tải do người lao động tới để làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần. Đặc biệt các điểm vùng ven tập trung đông các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Bình quân cứ hai người mới tham gia BHXH thì một người rời đi. Có đến 97% số người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Người rút chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ ngoài khu vực nhà nước, từ 26 - 29 tuổi. Tỉ lệ này ở nữ giới là 55,6%, nam giới là 44,4%.
Tại TP. Hồ Chí Minh, có khoảng 37.000 người đã làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lao động chọn rút bảo hiểm một lần nhiều nhất ở TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh... khiến cơ quan bảo hiểm quá tải.
Theo quy định, người dân có thể tới bất cứ cơ quan bảo hiểm xã hội nào đều được hỗ trợ làm các thủ tục liên quan. Do đó, để giảm áp lực và không phải chờ đợi, người lao động có thể lựa chọn nơi phù hợp.
Những lao động này về già sẽ không có lương hưu hoặc hưởng mức thấp, không đảm bảo cuộc sống, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Đây là thực trạng đáng lo ngại, tác động trực tiếp tới quyền lợi lao động và ảnh hưởng an sinh khi dân số Việt Nam đang bắt đầu già hoá.
Việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần là giải pháp tình thế, nhưng sẽ để lại hệ lụy lâu dài cho người lao động, bởi họ sẽ sống như thế nào nếu không có nguồn thu nhập cơ bản và thường xuyên khi về già. Thêm vào đó, tình trạng này sẽ khiến Việt Nam không thể thực hiện được mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân và gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội.
Theo quy định hiện hành, người đóng bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu sau 20 năm đóng. Điều kiện để rút bảo hiểm xã hội một lần khá dễ dàng như người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng.../.