Tại diễn đàn “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hợp tác xã”, do Tổ Điều hành kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, các đại biểu đã nêu lên thực trạng vốn của các hợp tác xã quá thấp, nhưng lại khó tiếp cận được với vốn vay ngân hàng.
Ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết đến tháng 6-2022 cả nước có 18.795 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm khoảng 70% tổng số các loại hình hợp tác xã cả nước.
Theo ông Định, quy mô bình quân của 1 hợp tác xã khá nhỏ, chỉ khoảng 176 thành viên, và vốn bình quân trên mỗi hợp tác xã nông nghiệp chỉ 1,5 tỉ đồng. “Chính vì vậy, doanh thu và lợi nhuận của hợp tác xã đạt được rất khiếm tốn”, ông Định nói. Ông cho biết chỉ có khoảng 17,3% đạt loại tốt, 37,7% đạt loại khá, 36,6% đạt trung bình và còn lại là yếu kém.
Ông Nguyễn Tiến Định cho rằng, Hợp tác xã không tiếp cận được vốn dẫn đến cản trở phát triển của loại hình kinh tế này. Ông phân tích, khó khăn tiếp cận ngân hàng thương mại có thể dẫn đến nhiều hệ quả như các hợp tác xã không được khuyến khích đầu tư chế biến mà chỉ có thể tập trung thu gom; năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, không khuyến khích nông dân, tạo áp lực cho doanh nghiệp liên kết, hạn chế chuỗi liên kết, và đặc biệt là hình thành bẫy tín dụng hay tín dụng đen trong phát triển ở khu vực nông thôn. Do đó, cần sửa đổi Nghị định luật tín dụng nội bộ (Thông tư 15 đã hết hạn), quy định góp vốn tối thiểu của thành viên hợp tác xã. Cùng với đó, khuyến khích ngân hàng thương mại xây dựng chính sách tín dụng cho hợp tác xã, cần gói tín dụng để giúp nông dân rời bỏ các bẫy tín dụng đen; khuyến khích đầu tư cho hợp tác xã mở rộng thành viên, hợp tác liên kết để tạo thành chuỗi nội bộ sản xuất lớn.
Ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II nêu lên thực trạng các hợp tác xã nông nghiệp tại Việt Nam rất khó tiếp cận được với tín dụng ngân hàng. Về nguyên tắc không thể nào cho hợp tác xã vay tín chấp mà phải thế chấp, thế nhưng phần lớn các ngân hàng yêu cầu hợp tác xã phải có tài sản thế chấp thì mới cho vay. "Trong các hợp tác xã, tài sản đất đai hầu hết là của xã viên chứ không phải của hợp tác xã, tài sản văn phòng, nhà kho, trang thiết bị của các hợp tác xã cũng có giá trị rất thấp. Trong khi 70-80% nông dân phải mua thiếu vật tư nông nghiệp từ các hợp tác xã", ông Hải nói.
Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp Bình Thành (Đồng Tháp) thừa nhận năng lực của Hợp tác xã để viết một dự án khả thi (một trong những điều kiện để ngân hàng xét duyệt cho vay) là rất hạn chế. “Do đó, cần có chính sách hỗ trợ hợp tác xã trong việc nâng cao năng lực lập phương án sản xuất kinh doanh”, ông Đời nói.
Trong khi đó, đối với góp vốn thành viên vào Hợp tác xã, ông Định cho rằng, Luật Hợp tác xã năm 2012 thiếu các quy định thành viên bắt buộc phải đóng góp. “Ngược lại, Luật Hợp tác xã 2012 cũng quy định người góp vốn tối đa không được quá 20% tổng vốn, khiến những người có điều kiện muốn đóng góp vào cũng bị hạn chế”. Đồng thời, ông bày tỏ hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, tham mưu để xây dựng Luật Hợp tác xã thì 2 vấn đề này cũng được đưa vào bàn thảo để tăng trần và bắt buộc thành viên phải góp vốn.
Còn về huy động vốn nội bộ, ông Đời đề xuất cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn mới, bởi thông tư 15 của Ngân hàng Nhà nước về quy định hoạt động tín dụng nôi bộ đã hết hạn. “Tín dụng nội bộ là người sản xuất rất cần”, ông Đời nhấn mạnh và dẫn chứng trước đây mỗi năm hợp tác xã Bình Thành đưa ra ít nhất 4 tỉ đồng để giải quyết cho trên dưới 1.000 hộ nông dân vay. Theo ông Đời, có tín dụng nội bộ sẽ giúp giải quyết vấn nạn tín dụng đen đang phát triển mạnh ở khu vực nông thôn thời gian gần đây.
Là đơn vị chủ trì chuỗi liên kết măng tre Bát Độ nên ông Cần Hoài Anh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tâm Tính tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, hiểu rất rõ về điều này. "Khi lập kế hoạch xây dựng chuỗi trong 5 năm từ 2022 – 2027, hợp tác xã có hơn 1.000 hộ nông dân tham gia với diện tích vùng nguyên liệu đăng ký trồng là 1.000 ha. Tuy nhiên vì nguồn vốn của hợp tác xã có hạn nên trong năm 2022 mới chỉ hỗ trợ bà con trồng được 50 ha", Giám đốc Hợp tác xã Tâm Tính nói.
Do đó, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách phù hợp cho hợp tác xã là đơn vị chủ trì chuỗi liên kết được vay vốn để phát triển chuỗi liên kết sản xuất. Đồng thời cũng kiến nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam sớm hướng dẫn và triển khai cho các hộ tham gia chuỗi sản xuất để được vay vốn, tham gia chuỗi theo Nghị quyết 28 của Ủy ban Dân tộc.
Đồng tình, ông Lâm Quốc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Tiến – Hưng Hội (Bạc Liêu) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Chính sách xã hội đơn giản hóa thủ tục cho các hợp tác xã vay vốn được thụ hưởng hỗ trợ 2% lãi suất.