Hòa Bình tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng

Cùng với các tỉnh/thành phố trên cả nước, trong những năm qua tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, qua đó nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng trong bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai.

Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 30/8/2017 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 14-Ctr/TU để tổ chức triển khai thực hiện thống nhất trong toàn Đảng bộ, sau 5 năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả khả quan trên mọi mặt của công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020 tỉnh và Ban Chỉ đạo về Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2021-2025; thành lập Ban Quản lý Dự án Bảo vệ phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2021-2025; xây dựng Quy chế làm việc, bổ sung nhiệm vụ thực hiện kế hoạch hành động REDD+ tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030.

Giai đoạn từ năm 2017-2020 đã kiện toàn 17 Ban Quản lý Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, gồm: 01 Ban Quản lý dự án Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh; 11 Ban Quản lý dự án Bảo vệ và Phát triển rừng cơ sở tại 10 huyện, thành phố; 4 khu bảo tồn thiên nhiên và Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Đà; 151 xã, phường, thị trấn đã xây dựng, củng cố 1.257 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở các thôn, bản với 7.760 người tham gia… Do đó số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp năm sau giảm so với năm trước, năm 2017 phát hiện và xử lý 80 vụ, năm 2020 phát hiện và xử lý 60 vụ, năm 2022 phát hiện và xử lý 35 vụ... Hằng năm, UBND tỉnh ban hành chỉ thị tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; kế hoạch thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Xây dựng, củng cố 1.257 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở các thôn, bản với 7.660 người tham gia...

cta-1688904845.jpg
Lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nhân dân tham gia công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Giai đoạn từ năm 2018-2022, tỉnh Hòa Bình thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, tỷ lệ che phủ rừng được duy trì trên 51% (Năm 2018: 51,1%; Năm 2022: 51,69%) góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiên tai; phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Giai đoạn 2018-2022, các giải pháp để phòng chống thiên tai tại khu vực có rừng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình chủ yếu là bảo vệ toàn bộ 237.299,32 ha rừng hiện có kết hợp trồng mới rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất được 33.923,0 ha; bảo trì, bảo dưỡng duy tu 118,98 km đường băng cản lửa.

Hàng năm, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. UBND các huyện, thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR)... thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chăn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Lực lượng Kiểm lâm cấp huyện đã hướng dẫn các chủ rừng xây dựng, rà soát, chỉnh sửa, bổ xung 150 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã, 27 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của chủ rừng là tổ chức và 12.361 phương án PCCCR của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Xây dựng, củng cố 1.835 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở các thôn, bản với 11.268 người tham gia.

Đối với chương trình tăng cường công tác phát triển rừng, tổ chức rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng và kiểm soát các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội có tác động tiêu cực đến rừng, tỉnh đã chú trọng phát triển trồng rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh, khai thác rừng hợp lý, từ năm 2017 đến hết năm 2022 toàn tỉnh trồng được khoảng 41,45 nghìn ha rừng tập trung, 3,05 triệu cây phân tán, đến năm 2022, có 70% cây giống đưa vào trồng rừng được kiểm soát theo phân cấp quản lý, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 10 nghìn ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, cùng với sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu có chứng chỉ FSC...

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, xử lý vi phạm quy hoạch được quản lý, giám sát và thực thi nghiêm, từ năm 2017 đến hết năm 2022, tỉnh có 80 dự án phát triển kinh tế, xã hội thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, với diện tích trên 1.793 ha, trong đó: Quy hoạch rừng đặc dụng là 0,44 ha; quy hoạch rừng phòng hộ 100,55 ha; quy hoạch rừng sản xuất trên 1.186 ha; ngoài quy hoạch ba loại rừng 505,82 ha. Quá trình thực hiện trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng được giám sát chặt chẽ đảm bảo đúng quy định.

Về đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố tăng cường rà soát, điểu chỉnh bổ sung, lập mới quy hoạch các khu, điểm du lịch gắn với bảo tồn rừng và bảo vệ môi trường, như: Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035; quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng xóm Mừng xã Xuân Phong, Xóm Rớm Khánh xã Yên Thượng, xóm Tiện, khu vực cảng Thung Nai, huyện Cao Phong; khu du lịch sinh thái Thác Mu, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn; Trung tâm du lịch Chiềng Châu thuộc Điểm du lịch quốc gia Mai Châu…

cta1-1688904860.jpg
Phòng chống cháy rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai (Ảnh minh họa).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, đó là: Trong tổ chức thực hiện, còn có một số cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch thực hiện chưa cụ thể, thiết thực; tình trạng phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn còn diễn ra, nhất là những nơi có diện tích rừng tự nhiên tập trung nhiều lâm sản quý, hiếm; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn bộc lộ nhiều bất cập, chưa đồng bộ với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; năng suất và chất lượng rừng trồng còn thấp.

Sản phẩm khai thác chủ yếu là gỗ nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; giá trị thu nhập từ sản xuất, kinh doanh rừng còn thấp; đóng góp của ngành lâm nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; sự tham gia của các cấp, các ngành trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có việc còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao; ý thức, trách nhiệm của một số chủ rừng, nhân dân sống gần rừng còn có biểu hiện chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm.

Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình hành động số 14-CTr/TU, ngày 30/8/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 30/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến 2030, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, hộ gia đình và toàn thể Nhân dân trong tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Giám sát chặt chẽ các dự án phát triển kinh tế - xã hội có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng; kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án.

Đẩy mạnh công tác phát triển rừng, nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sử dụng giống từ cây mô, hom để trồng rừng sản xuất, xác định cơ cấu cây trồng, loài cây trồng phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu, có giá trị kinh tế cao và phù hợp mục đích kinh doanh. Tiếp tục tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn.

Trong giai đoạn 2023-2030 tỉnh Hòa Bình đưa vào kế hoạch thực hiện làm giàu rừng tự nhiên, nuôi dưỡng rừng tự nhiên, trồng, chăm sóc rừng phòng hộ tổng cộng 6.650 ha. Bên cạnh đó, tiếp tục bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, tiếp tục phát triển diện tích rừng trồng. Dự kiến trong giai đoạn 2023-2030, trồng mới, chăm sóc rừng phòng hộ: 350 ha thực hiện đối với diện tích đất chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư gồm: Đất trống; đất có thực bì là cỏ tranh, lau lách; Đất có cây bụi, cây gỗ rải rác, cây tái sinh mục đích có chiều cao trên 0,5 m với số lượng dưới 300 cây/ha, không có khả năng tái sinh tự nhiên thành rừng.

Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái trong các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo phương án quản lý rừng bền vững đã được Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt; quảng bá hình ảnh, tiềm năng về cảnh quan, tài nguyên rừng nhằm thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái, gắn hoạt động du lịch sinh thái với tuyên truyền bảo vệ rừng, phát triển rừng, bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học. Tổ chức thực hiện các biện pháp lâm sinh nhằm nâng cao chức năng của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với khai thác các dịch vụ môi trường rừng.