Hòa Bình kết nối, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch

Ngày 29/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hoà Bình phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tọa đàm về “Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ dịch COVID-19”.
gian-hang-cam-hoi-cho-4-21-17-02-910-1635506493.jpg
Hòa Bình kết nối, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hoà Bình Vương Đắc Hùng cho biết, tỉnh xác định tập trung đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ hàng hóa nông sản từ nay đến cuối năm 2021; xây dựng tốt và bền vững chuỗi kết nối cung - cầu nông sản.

Do đó, các đơn vị chủ trì cần thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin thị trường; phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành trong và ngoài nước; tập trung hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản vụ đông; trong đó, tập trung tiêu thụ tại thị trường nội địa, nhằm hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo ông Vương Đắc Hùng, từ nay đến cuối năm 2021, sản lượng một số mặt hàng nông sản chủ lực như cá Sông Đà, bưởi đỏ Tân Lạc, cam Cao Phong, gà Lạc Sơn và thịt gia súc, gia cầm, rau màu các loại… sẽ tăng mạnh vào vụ thu hoạch. Do đó, các địa phương cần tăng cường nắm bắt nhu cầu, sản lượng; tổ chức tốt việc kết nối, tiêu thụ nông sản với các chợ đầu mối, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh…

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung và đưa ra phương án tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình trong tình hình dịch nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người nông dân tiêu thụ nông sản của tỉnh; quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm tại thành phố Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước, tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng, giá trị nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh...

Bên cạnh đó, các chuyên gia đã trực tiếp tư vấn, giải đáp cho các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp về những vướng mắc trong quá trình tiêu thụ sản phẩm nông sản nhằm đảm bảo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện duy trì phát triển sản xuất trong thời kỳ dịch bệnh, tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng nông sản hàng hóa và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm….

Bưu điện tỉnh Hòa Bình đã hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất giải pháp hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Báo cáo tại hội thảo, ông Trương Thanh Thủy, Phó Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hòa Bình cho biết, hiện nay, tỉnh Hoà Bình đã hình thành các vùng sản xuất tập trung cây ăn quả có múi trên 10,5 nghìn ha; diện tích cho kinh doanh gần 8.000 ha, sản lượng đạt 85.000 tấn. Diện tích gieo trồng cây rau trên 11 nghìn ha/năm, năng suất 13 - 15 tấn/ha, sản lượng hàng năm trên 16 vạn tấn/năm; giá trị thu nhập tiếp tục tăng và ổn định mức 125 triệu đồng/ha/vụ.

Ngoài ra, tỉnh đã hình thành các vùng chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, dê tập trung theo hướng hàng hóa, công nghiệp và theo chuỗi giá trị như: Trang trại chăn nuôi khép kín của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tại huyện Lương Sơn, Công ty cổ phần T&T 159 tại thành phố Hòa Bình, Công ty cổ phần Thủy Thiên Nhu tại huyện Lạc Thủy... Sản lượng thịt được chứng nhận VietGAP và tiêu chuẩn cơ sở vào khoảng 12.000 tấn/năm.

Đến nay, tỉnh có khoảng 4,7 nghìn lồng cá, sản lượng ước đạt 9.800 tấn; có 71 sản phẩn được chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 18 sản phẩn đạt 4 sao, 23 sản phẩm đạt 3 sao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hoà Bình dự kiến từ nay đến cuối năm 2021, nông dân trong tỉnh tập trung thu hoạch một số mặt hàng nông sản; trong đó, cây có múi khoảng gần 200 nghìn tấn; rau các loại khoảng 90 nghìn tấn; chuối 16 nghìn tấn; gia súc, gia cầm gần 50 nghìn tấn; nhóm sản phẩm thủy sản gần 12 nghìn tấn… Các sản phẩn nông sản của tỉnh chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước; trong đó, chỉ có 20% tiêu thụ nội tỉnh.