Hình thành thói quen sử dụng điện một cách hiệu quả, bền vững và tiết kiệm

Để bảo đảm điện năng cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, việc thúc đẩy đầu tư cho sản xuất điện, tăng cường năng lực nguồn điện, phát điện vẫn là chưa đủ mà còn một vế đặc biệt quan trọng đó là sử dụng điện một cách hiệu quả, bền vững và tiết kiệm.

Đây là quan điểm xuyên suốt được đưa ra tại Tọa đàm về "Tiết kiệm điện - Từ chính sách đến cuộc sống" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 15/5.

toa-dam-tiet-kiem-dien-1-1715823292.jpg
Các đại biểu tham gia tọa đàm về "Tiết kiệm điện - Từ chính sách đến cuộc sống".

Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng càng trở nên cấp bách

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả càng trở nên cấp bách và quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay khi nguồn cung điện đang gặp nhiều thách thức do tình trạng thủy văn đảm bảo phát điện của các nhà máy thủy điện diễn biến theo chiều hướng bất lợi bởi biến đổi khí hậu; các nguồn điện mới gặp nhiều khó khăn trong mở rộng đầu tư; còn nguồn điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vận hành không ổn định.

Trên thực tế, tổng thể các khâu, từ cấp phát, điều tiết, phân phối cho tới việc sử dụng điện còn có những bất cập, chưa hợp lý ở một số nơi, dẫn tới những hệ lụy đối với đời sống dân sinh và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nhất quán quan điểm "phải đảm bảo điện năng trong mọi tình huống" và đã có những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ; ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo phát động và đẩy mạnh nhiều chương trình hành động sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả. Gần đây nhất là Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo với những giải pháp hết sức toàn diện về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Đây thực sự là những giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững ngành điện.

toa-dam-tiet-kiem-dien-3-1715823329.jpg
Các bộ, ngành và địa phương đã đẩy mạnh nhiều chương trình hành động sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Tại Tọa đàm, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả. Nếu so sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD Việt Nam cần 376 tấn dầu quy đổi, trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD con số này khoảng 104 tấn dầu quy đổi, với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi.

“Để có 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện trong thời gian tới”, ông Lâm nói.

Thời gian qua, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối của Chính phủ, thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cũng như các địa phương trên cả nước thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ các giải pháp thúc đẩy sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Nâng cao nhận thức: "Tiết kiệm điện thành thói quen"

Thông tin từ ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho thấy, thực hiện được Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng bộ nhận diện của chương trình tiết kiệm điện và khẩu hiệu của chương trình là "Tiết kiệm điện thành thói quen", đây là khẩu hiệu dễ nhớ, dễ thực hiện.

Bộ Công Thương cũng ban hành các sổ tay hướng dẫn và các hướng dẫn trên môi trường internet ở trang tietkiemnangluong.com.vn, trang thông tin điện tử chính thức của chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Bộ cũng gửi bản mẫu thiết kế cho tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương để có thể kịp thời phổ biến, hướng dẫn đến các DN, người dân và cộng đồng xã hội trên địa bàn toàn quốc.

Tại tọa đàm, TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế đánh giá, Chỉ thị số 20 của Chính phủ đã đưa ra cách tiếp cận rõ ràng hơn trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, hướng Việt Nam đến cam kết chính trị chương trình hành động. Tuy nhiên, ông Thiên cũng chỉ rõ, để sử dụng điện hiệu quả thì sản lượng điện phải đủ, nếu thiếu điện sẽ không thể hiệu quả.

“Không phải vì thiếu mà chúng ta mới cần tiết kiệm, mà điều quan trọng là nguồn cung về điện phải ổn. Chính phủ phải chủ động để làm sao ý thức tiết kiệm điện như một nét văn hóa. Cần nâng cao ý thức, giáo dục công dân coi điện là tài nguyên quý giá của con người. Thời gian qua truyền thông đã làm mạnh nhưng tới đây sẽ phải làm tốt hơn nữa”, ông Thiên lưu ý.

toa-dam-tiet-kiem-dien-2-1715823279.jpg
Hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện và sự kiện Giờ Trái đất tại tỉnh Phú Yên. (Ảnh minh họa)

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh nêu quan điểm, đối với các quốc gia phát triển, việc đào tạo, giáo dục tiết kiệm điện, tài nguyên thiên nhiên được thực hiện một cách hiệu quả từ các em nhỏ, trong hệ thống giáo dục, trên các phương tiện giao thông, các nơi công cộng…

“Chúng ta cần tuyên truyền sâu rộng để thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Trước mắt, tiết kiệm, sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, sau đó dùng các tài nguyên sẵn có như điện mặt trời, các dạng năng lượng tự dùng trước khi sử dụng từ nguồn, từ lưới”, ông Hà Đăng Sơn nêu.

Cũng theo ông Hà Đăng Sơn, Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt nồng độ cồn có hiệu quả rất tốt, người dân tuân thủ và dần thành thói quen. “Phải chăng tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên cũng phải có những chế tài nặng tương tự, thay vì hiện nay các quy định đa phần vẫn mang tính chất khuyến khích, giáo dục”, ông Hà Đăng Sơn nhận định./.

Bình Châu