Hành trình 2 năm xây dựng và phát triển Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh

Sau 2 năm hoạt động, mặc dù cán bộ, phóng viên có người đã có bề dày nửa thế kỷ làm báo chuyên nghiệp song vẫn phải đối mặt với những vấn đề mới cần giải quyết như nhận thức lại về tôn chỉ, mục đích, về báo hóa tạp chí, về tòa soạn hội tụ…
img-e7039-2-1693279970.JPG
Hội đồng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế Xanh.

Nhận thức về tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí

 “Thời gian qua, nhiều phản ánh về tình trạng phóng viên được lãnh đạo ký giấy giới thiệu đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để tác nghiệp, đăng tải tin, bài, về các vấn đề không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, trái với quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan báo chí được quy định trong Luật Báo chí”.

“Việc nhiều nhà báo tác nghiệp không đúng với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo hoạt động đúng pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp"… là đánh giá của Bộ TT&TT.

Vấn đề này đang có nhiều ý kiến trái chiều. Nhận thức rõ bản chất tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí rất quan trọng, không chỉ với cơ quan báo chí mà cả cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý báo chí. Bởi nhận thức đúng thì cơ quan báo chí sẽ có hướng đi đúng trong hoạt động, cơ quan chủ quản sẽ có hướng đi đúng trong quản lý, tránh tình trạng cơ quan báo chí vi phạm tôn chỉ, mục đích, cơ quan chủ quản lúng túng, đưa ra những yêu cầu hoặc có những quyết định không phù hợp gây khó khăn cho cơ quan báo chí. Vấn đề là báo chí tiếp cận hiện thực khách quan và phản ánh nó như thế nào, chừng mực nào, độ công tâm và xu hướng xây dựng đến đâu?

Thời gian qua, có không ít hiện tượng cán bộ quản lý báo chí giới hạn phạm vi hoạt động của các tờ báo trong những cái khuôn hạn hẹp, cứng nhắc bằng việc "mang kính hiển vi" ra soi từng chữ, áp đặt suy nghĩ chủ quan rồi khẳng định báo A, tạp chí B chỉ được thông tin vấn đề này, vấn đề kia… Cách làm đó đang rất nhầm lẫn.

Hiện thực khách quan có 2 mảng tốt và xấu, tích cực và tiêu cực, sáng và tối. Nhiệm vụ của bất kể cơ quan báo chí nào cũng đòi hỏi thông tin một cách trung thực nhất, nhanh nhất cả hai mảng đó với mục đích hướng dẫn dư luận, làm cho xã hội tốt lên. Thông tin tích cực luôn chủ đạo nhưng không có nghĩa là giấu giếm mặt tiêu cực, bởi như thế cũng đồng nghĩa tiếp tay cho tiêu cực có đất phát triển.

Nhiều người hiểu rất đơn giản rằng, báo Giáo dục chỉ nói về giáo dục, báo Giao thông chỉ nói về giao thông,… Đây là cách hiểu ấu trĩ và sơ khai. Thế giới muôn hình vạn trạng đang diễn ra từng ngày, từng giờ, nhiệm vụ của bất kỳ một phóng viên nào cũng là tìm ra cái mới, cái có ý nghĩa xã hội vừa xảy ra, cái cần thông tin, cái cần định hướng… Và căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí nói về vấn đề đó sao cho “lọt tai, lọt mắt” người nghe, người đọc để thực hiện tốt nhất vai trò định hướng, giáo dục. Ai cũng có quyền nêu gương, ai cũng có quyền phê phán, về bất kể vấn đề nào trong xã hội, vấn đề là phải đúng bản chất, chính xác và “đủ độ”. Không tốt mà khen tốt là gây hại, nhưng tốt được nói quá lên cũng có hại, xấu bị vùi dập quá thì càng hại.

Tôn chỉ, mục đích trong báo chí là khái niệm tương đối chứ không phải công thức toán học, hiểu và vận dụng sai hay máy móc đều không có lợi cho sự phát triển của báo chí nước nhà. Có người quan niệm rằng, quản lý báo chí phải thông qua tôn chỉ, mục đích. Điều đó đúng bởi báo chí là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của cơ quan chủ quản, nhưng không có nghĩa khuôn tròn nó vào một chủ đề, một lĩnh vực.

Hiện nay có người còn cho rằng: “Theo quy định của luật pháp, tạp chí khác báo ở chỗ tập trung vào chuyên ngành và có tính định kỳ. Thời gian qua có tình trạng một số tạp chí xa rời tôn chỉ, mục đích của mình và cũng tiến hành điều tra, phóng sự, có tin thời sự, chính trị”. Đây là nhận thức hoàn toàn sai lầm, xuất phát từ chỗ không hiểu thế nào là chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm của các loại hình báo chí.

Đến ngày 31/8/2023, qua 2 năm hoạt động Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh hoàn toàn không loay hoay với vấn đề trên, bởi đối tượng phản ánh, độc giả phục vụ đều rất rõ ràng. 

Nhìn ra báo chí cả nước để làm tốt hơn

Theo thống kê của Cục Báo chí Bộ TT&TT, tính đến cuối năm 2021, cả nước giảm 18 cơ quan báo chí so với năm 2018. Tới 30/11, cả nước có 850 cơ quan báo chí. Trong đó, có 179 báo (83 báo trung ương và 96 báo địa phương), 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 93 kênh truyền hình. Cả nước hiện có 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó có 20.407 người được cấp thẻ nhà báo.

Với số lượng đầu báo như thống kê cho thấy, quy hoạch lại hệ thống báo chí là tất yếu khách quan, hoàn toàn không dính dáng hay vi phạm đến tự do báo chí, tự do ngôn luận. Tuy nhiên, trong công tác quản lý, một số quy định liên quan đến hoạt động báo chí đã lạc hậu, không còn phù hợp nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chưa theo một khung pháp lý nào nên người bị phạt chưa “thỏa mãn”. Quy hoạch báo chí là quá trình bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy định pháp luật về báo chí, loại bỏ văn bản không còn phù hợp với thực tiễn, nhưng trước hết cần xây dựng quy định phân biệt báo điện tử, tạp chí điện tử, trang tin điện tử trong hệ thống mạng Internet, một loại hình báo chí mới mẻ, để khắc phục tình trạng “báo hóa tạp chí”, đặc biệt là tình trạng “tư nhân hóa” báo chí.

Nhà nước có cơ chế, chính sách, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động mọi nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí. Đây là quan điểm và nguyên tắc cơ bản thực hiện tôn chỉ, mục đích của hoạt động báo chí nước ta. Xuyên suốt trong quá trình hoạt động lãnh đạo Hiệp hội luôn tạo điều kiện để Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh chủ động thực hiện chức trách và nhiệm vụ của mình.

img-0631-1693327551.jpeg
Lãnh đạo Hiệp hội Đầu tư, Xây dựng - Dịch vụ nông lâm nghiệp Việt Nam thường xuyên quan tâm công tác nhân sự của Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh.

Giải pháp quản lý báo chí của Hiệp hội Đầu tư, Xây dựng - Dịch vụ nông lâm nghiệp Việt Nam

Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh của Hiệp hội Đầu tư, Xây dựng - Dịch vụ nông lâm nghiệp Việt Nam dù mới ở giai đoạn khởi đầu, nhưng qua hai năm hoạt động đã khẳng định được vai trò, vị thế trong Hiệp hội. Lãnh đạo Hiệp hội luôn quan tâm và chỉ đạo cơ quan truyền thông nhằm bảo đảm tính hiệu quả. Sắp xếp, điều chỉnh mô hình tổ chức cơ quan báo chí, khắc phục tình trạng thông tin chồng chéo, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; đồng thời gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí.

Tạp chí luôn gắn với đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng tinh gọn. Cơ quan báo chí được giao quyền tự chủ tài chính, chủ động nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả. Hiệp hội là tổ chức phi chính phủ có đặc điểm khác, không giống các bộ, ngành, nên cách thức quản lý cũng mang những đặc trưng riêng. Phát triển đi đôi với quản lý tốt Tạp chí là phù hợp với xu thế phát triển thông tin, truyền thông thế giới và điều kiện nước ta nói chung và Hiệp hội nói riêng.

Về cơ bản, Tạp chí của Hiệp hội phải tự cân đối tài chính, nên làm thế nào để nội dung phong phú, hình thức đa dạng có khả năng thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội, nhất là trước các sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và đặc biệt là vai trò của Hiệp hội trong phát triển kinh tế, xã hội mà cụ thể là kinh tế nông lâm nghiệp. Kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực về quản lý báo chí của cơ quan chỉ đạo, quản lý đồng thời xác định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng của từng Phòng, Ban, từng cấp trong quản lý, chỉ đạo báo chí. Lĩnh vực này đang đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, những bài toán khó đòi hỏi phải được giải quyết một cách bài bản.

Lãnh đạo Hiệp hội luôn rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan tạp chí về trình độ, năng lực, kinh nghiệm quản lý, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và quản lý, về kinh tế báo chí cho đối tượng lãnh đạo cơ quan tạp chí. Nhằm thực hiện các giải pháp thực hiện kể cả nội dung, hình thức, phát hành, nhân sự, tài chính…  

Với Hiệp hội, người đứng đầu cơ quan báo chí mới phải giải được bài toán: Lấy nguồn kinh phí ở đâu để xuất bản Tạp chí? Ai sẽ làm? Ai sẽ trả lương cán bộ, phóng viên? Trả nhuận bút theo khung nào?... Việc tìm ra được người sử dụng nhân lực ít nhất, phương án huy động nguồn vốn xã hội hóa hiệu quả nhất… để Tạp chí phát triển bền vững luôn là mục tiêu phấn đấu.

Bài học qua hai năm hoạt động đã đúc kết được khá nhiều kinh nghiệm, với đội ngũ lãnh đạo, phóng viên và cộng tác viên tinh gọn, có năng lực,... chắc chắn cơ quan truyền thông của Hiệp hội sẽ đứng vững và phát triển.

Thái Hà