Hàng không Nhật Bản hướng tới nguồn nhiên liệu bền vững

Hai hãng hàng không lớn của Nhật Bản là Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airway (ANA) vừa công bố báo cáo chung về việc thực hiện các mục tiêu trung hòa carbon trong lĩnh vực hàng không đến năm 2050.
gettyimages-1203849033-1000x538-1633917469.jpg
Ảnh: Getty Images

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, hai hãng hàng không lớn của Nhật Bản là Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airway (ANA) vừa công bố báo cáo chung về việc thực hiện các mục tiêu trung hòa carbon trong lĩnh vực hàng không đến năm 2050.

Theo báo cáo này, JAL và ANA nhất trí sẽ tăng cường hợp tác để thúc đẩy ứng dụng các nguồn nhiên liệu bền vững (SAF), thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Mục tiêu của hai hãng hàng không là có thể chuyển đổi khoảng 10% năng lượng đang sử dụng sang SAF vào năm 2030 và 100% vào năm 2050.

SAF là nguồn nhiện liệu thân thiện với môi trường và được đánh giá có thể giảm khoảng 80% lượng khí CO2 thải ra môi trường so với nhiên liệu hóa thạch, tuy nhiên, khối lượng sản xuất trên thế giới hiện nay chỉ chiếm khoảng 0,003%. Tại Nhật Bản, công nghệ sản xuất nhiên liệu SAF vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu phát triển, chưa được thương mại hóa. Do đó, thách thức với các hãng hàng không Nhật Bản khi chuyển đổi sử dụng nguồn năng lượng này là phụ thuộc nguồn cung từ nước ngoài. Theo báo cáo chung, JAL và ANA đặt mục tiêu xây dựng hình mẫu sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu SAF tại Nhật Bản và phổ biến hình mẫu này tới các quốc gia thuộc khu vực châu Á.

JAL và ANA là những hãng hàng không đi đầu trong việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sinh học. Từ cuối năm 2020, ANA đã quyết định sử dụng nhiên liệu được sản xuất từ chất thải thực phẩm trong một số chuyến bay nội địa. Đầu năm 2021, JAL cũng thực hiện chuyến bay sử dụng nguồn nhiên liệu sinh học đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên. Nỗ lực của các hãng hàng không Nhật Bản được cho là sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2050 mà chính phủ nước này đặt ra khi máy bay được đánh giá là phương tiện thải ra lương CO2 cao gấp nhiều lần so với các phương tiện giao thông khác./.