Thời gian qua, lực lược chức năng các xã, huyện tại tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên truyền, vận động và quyết liệt ra quân xử lý những đối tượng có hành vi săn bắt chim trời.
Trong thời gian này, khi các loài chim tự nhiên di cư vào đất liền để sinh sản và tránh trú, nhiều người dân đã lợi dụng thời cơ này để đánh bắt và thu lợi bất chính. Trước tình hình đó, nhiều địa phương, đặc biệt là vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh đã đồng loạt ra quân ngăn chặn, xử lý tình trạng đánh bắt chim trời nhằm bảo vệ hệ sinh thái, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn.
Đề tăng cường bảo vệ chim trời, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Một số người dân dùng các dụng cụ để dẫn dụ như loa phát thanh, đài, lưới, cọc, những con chim mồi…. để săn bắt chim trời.
Để nâng cao nhận thức cho người dân, Công an các xã đã tổ chức tuyên truyền đến nhân dân việc đánh bắt chim trời là trái quy định. Thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết và vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước; không tham gia đánh bắt, kinh doanh động vật hoang dã; đồng thời xử lý triệt để đối với các hành vi tận diệt chim di cư trên địa bàn.
Theo đó, yêu cầu các lực lượng lượng liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt là vào mùa chim di cư (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau).
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Đậu Văn Thắng - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma tuý, Công an huyện Cẩm Xuyên cho biết: "Thời gian qua, Công an huyện Cẩm Xuyên đã chỉ đạo lực lượng công an ở các xã, thị trấn trên địa bàn đồng loạt ra quân để xử lý nạn săn bắt chim trời. Luỹ kế từ đầu tháng 9 đến nay, đơn vị đã phát hiện và bắt giữ hơn 30 vụ vi phạm; qua đó tịch thu hơn 3.000 dụng cụ bẫy chim các loại. Không chỉ tập trung ra quân xử lý vi phạm, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân; tổ chức ký cam kết đối với các tiểu thương kinh doanh ở các chợ truyền thống trên địa bàn để ngăn chặn hành vi săn bắt, tận diệt chim trời.
Công an huyện Cẩm Xuyên đã trực tiếp giải thích về hành vi bán chim trời là vi phạm pháp luật. Theo Nghị định số 07/2022/NĐ-CP về “sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y, chăn nuôi”, hành vi buôn bán chim trời có thể bị phạt tiền từ 1 - 5 triệu đồng tuỳ vào mức độ vi phạm".
Trước động thái quyết liệt của Chính phủ cũng như các cấp các ngành địa phương, nhiều người dân chuyên đi săn bắt chim trời tại huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Hương Sơn… đã “giải nghệ”, phá các bẫy, dụng cụ săn bắt, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống.