Đưa lúa cạn vào sản xuất đại trà vụ Hè - Thu
Là vùng đất được xem là “chảo lửa, túi mưa” của tỉnh Hà Tĩnh, do đó việc xản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vụ Hè - Thu. Tại huyện Hương Khê, lâu nay người dân nhiều xã đã chuyển đổi những vùng sản xuất lúa không chủ động nước sang trồng hoa màu. Tuy nhiên, ở xã Lộc Yên lại có hướng đi riêng, đó là đưa cây lúa vào sản xuất trên cánh đồng cạn. Cách làm này đã bước đầu cho kết quả khả quan.
Trước đến nay, cứ vào vụ Hè - Thu, để hỗ trợ, khuyến khích người dân trong sản xuất cây trồng cạn, huyện Hương Khê hỗ trợ tiền mua giống đậu xanh, vừng, lạc cho người dân (với 70.000 đồng/sào và 70.000 đồng/1 kg ngô giống). Nhưng nhiều hộ dân ở xã Lộc Yên không nhận chính sách hỗ trợ mà mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất sản xuất hoa màu trước đây để sản xuất lúa cạn.
Bà Phạm Thị Thìn, thôn Hương Đồng, xã Lộc Yên cho hay, vụ sản xuất hè thu năm 2022, tôi và nhiều hộ gia đình trong thôn đã làm lúa cạn Hè thu và cho thu hoạch khá hiệu quả. Năm nay được xã, thôn tuyên truyền vận động chuyển đổi đất sản xuất hoa màu sang gieo trỉa lúa cạn, nên vụ này tôi làm 2 sào lúa cạn. Nhiều hộ dân cũng tham gia trồng lúa cạn. Thấy lúa sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất hơn các giống cây trồng khác.
Bà con nông dân nơi đây cho biết, mặc dù thời tiết vô cùng khắc nghiệt, hầu như không có mưa, nhiều diện tích đậu và ngô Hè - Thu đã giao trỉa không phát triển được nhưng những diện tích lúa cạn vẫn xanh tốt và phát triển.
Theo thống kê, xã Lộc Yên hiện có trên 300 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 115 ha lúa nước, còn lại là diện tích đất khô cạn, sản xuất các loại cây hoa màu như ngô, đậu, lạc… song hiệu quả kinh tế không cao, nhất là trong sản xuất vụ Hè thu nhiều diện tích phải bỏ hoang. Do vậy, việc thử nghiệm thành công mô hình trồng lúa trên ruộng cạn có ý nghĩa quan trọng, ứng phó đươc với điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại địa phương trong sản xuất nông nghiệp.
Đạt năng suất bình quân 2,5 tạ/sào
Sau khi nghiên cứu và đưa vào sản xuất thử nghiệm giống lúa cạn LC93-1 trong vụ Hè - Thu, năm 2022 đã cho kết quả ngoài mong đợi, đạt năng suất khá cao 2,5 tạ/sào, tương đương 50 tạ/ha. Có ưu điểm cho hạt gạo trong, dài, tỷ lệ gạo cao, cơm dẻo. Tại cánh đồng thôn Hương Đồng, xã Lộc Yên có 20 ha đất trồng hoa màu, năm nay 60 hộ đã thực hiện chuyển đổi 6 ha đất sang gieo trỉa lúa.
Những ngày qua, tranh thủ thời tiết khô ráo, bà con nông dân xã Lộc Yên huy động máy móc, nhân lực tập trung thu hoạch lúa cạn vụ Hè - Thu, năng suất bình quân đạt 2,5 tạ/sào.
Được biết, vụ Hè - Thu năm nay, xã Lộc Yên chỉ đạo các thôn tuyên truyền vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi số diện tích đất màu trước đây làm ngô, lạc, đậu xanh…. hiệu quả không cao vào sản xuất lúa cạn. Toàn xã đã chuyển 53 ha đất màu kém hiệu quả sang gieo trỉa lúa cạn, sử dụng giống LC93-1.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã Lộc Yên cho hay: Mặc dù vụ Hè thu năm nay gặp thời tiết nắng hạn kéo dài nhưng toàn bộ diện tích lúa cạn gieo trỉa tại các cánh đồng ở xã Lộc Yên vẫn phát triển tốt, cho năng suất khá cao. Đây là kết quả khả quan, tiền đề quan trọng để vụ sản xuất Hè Thu các năm tới địa phương tiếp tục mở rộng diện tích lúa cạn, thay thế các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp hơn. Điều này cho thấy chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương là hết sức đúng đắn. Việc này không những là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Mô hình sản xuất lúa cạn vụ Hè - Thu ở xã Lộc Yên là cách làm mới, hướng đi phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, phần nào tháo gỡ khó khăn cho những địa phương vùng miền núi có thời tiết khắc nghiệt như huyện miền núi Hương Khê.