Hà Nội triển khai kế hoạch “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" năm 2022

Thực hiện kế hoạch số 118/KH-UBND về việc triển khai "Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" năm 2022. Thành phố tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
1-1650065879.jpg
Hà Nội sẽ tổ chức 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm cấp thành phố. Ảnh minh hoạ.

Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2022 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5 trên phạm vi toàn thành phố, với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”.

Kế hoạch nhằm tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm.

Tăng cường truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.

Thực hiện kế hoạch, thành phố sẽ tổ chức 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm cấp thành phố kiểm tra công tác triển khai của các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và sở, ngành kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý...

Cùng với đó, tại các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được phân cấp.

Đồng thời, công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.

Nhấn mạnh vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm làm công việc thường xuyên, liên tục, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu, các địa phương tăng cường trách nhiệm hơn nữa, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn để kế hoạch được triển khai hiệu quả, tránh hình thức.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông một cách công khai, minh bạch về vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như hậu kiểm trong việc chấp hành các quy định về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; chú trọng vấn đề thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng…

Tạ Nhị (t/h)