Quảng Bình: Phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm"

DN&KTX - Ngày 14/4, Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ phát động "Tháng hành động vì ATTP" năm 2022 với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”.

Từ năm 2016 đến nay, các vi phạm về ATTP như: Sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, sử dụng chất tăng trọng trong chăn nuôi… đã được ngăn chặn và kiểm soát. Rau, củ, quả và sản phẩm nông, lâm, thủy sản ngoại tỉnh nhập vào địa bàn qua kiểm tra, giám sát chưa phát hiện vi phạm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất độc hại.

4-1649939659.jpg
Quang cảnh hội nghị Lễ phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022"

Trong năm 2021, lực lượng liên ngành tỉnh Quảng Bình và cơ quan chức năng của các huyện, thị, thành phố đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 3.907 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong toàn tỉnh. Kết quả, có 87% cơ sở đạt yêu cầu về VSATTP. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý vi phạm hành chính đối với 217 cơ sở với số tiền phạt trên 500 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy sản phẩm thực phẩm vi phạm gần 800 triệu đồng.

Trên thực tế, lĩnh vực này vẫn còn không ít bất cập, nhất là xuất phát từ việc còn tồn tại số lượng rất lớn các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún, mang tính chất hộ gia đình. Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn đa dạng nhưng sản xuất thiếu tập trung, chưa được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất; nhiều cơ sở sản xuất theo mùa vụ, chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa và thu hút được các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, kinh doanh.

3-1649939445.jpg
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị

Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: "Bảo đảm chất lượng ATTP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ con người mà còn là quyền cơ bản của mỗi người dân. Chính vì vậy, để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện và có trách nhiệm các vấn đề liên quan đến ATTP.

Cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; các sở, ban, ngành, các cơ quan chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng ATTP. Đặc biệt, phát động chiến dịch truyền thông rộng khắp, tạo điểm nhấn trong "Tháng hành động vì ATTP" năm 2022, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho công tác bảo đảm ATTP của tỉnh trong giai đoạn tới", Phó Chủ tịch tỉnh nói.

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng, công tác bảo đảm ATTP ở tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Công tác quản lý ATTP đã tích cực chuyển đổi sang quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Thanh Bình