Trong năm 2022, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ về an toàn thực phẩm với quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường, bình ổn thị trường, cân đối cung cầu và nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, hài hòa với các chuẩn mực quốc tế.
Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ tiến hành chuyển mạnh sang hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định phục vụ quản lý nhà nước.
Đặc biệt, qua các phương tiện truyền thông kịp thời đưa tin tình hình kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của luật pháp cũng như phê phán nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc bộ, cơ quan quản lý nhà nước của ngành công thương địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Hơn nữa, chú trọng kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu và dịp cuối năm, nhất là với các kho hàng thực phẩm đông lạnh và trong lưu thông nhằm ngăn chặn việc buôn bán các loại thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương còn tăng cường tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng, phương tiện thông tin đại chúng, người tiêu dùng, tiến hành tổ chức xác minh ngay và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm và công khai các thông tin cho người tiêu dùng biết theo quy định.
Hơn nữa, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường trao đổi kinh nghiệm và phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm nâng cao hiệu quả việc đấu tranh phòng chống kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng trên địa bàn.
Năm 2021, Bộ Công Thương đã chủ động, phối hợp thực hiện rà soát, hệ thống hóa thường xuyên cũng như theo chuyên đề, lĩnh vực các văn bản quy phạm pháp luật kịp thời, đúng tiến độ cũng góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm, có tác dụng răn đe, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Đồng thời, thông qua việc kiểm tra, đã kết hợp tuyên truyền tại chỗ, hướng dẫn các cơ sở, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm…
Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất ngày càng được nâng lên, sử dụng các chất phụ gia ngoài danh mục các chất phụ gia được phép trong bảo quản, chế biến thực phẩm đã giảm; nguyên liệu đưa vào chế biến, sản xuất ngày càng được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc đã giảm so với trước.
Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các siêu thị, trung tâm thương mại đã có ý thức chấp hành quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm như thực hiện các quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, khám sức khỏe cho người lao động, bảo quản hàng hóa…
Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, một số ngành hàng đã được nới lỏng nhưng vẫn hoạt động dè chừng khiến việc kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành phố còn nhiều khó khăn.
Hơn nữa, kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ việc tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng sau thanh tra, phát hiện xử lý còn thiếu gây ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm.
Không những thế, tổ chức bộ máy làm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành công thương tại một số địa phương biến động, không đồng nhất.
Bản thân người tiêu dùng chưa nâng cao ý thức trong hoạt động mua bán thực phẩm, ý thức tố giác tội phạm còn e dè đã nhiều khi tiếp tay cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đúng theo quy định của pháp luật./.