Hà Nội quyết tâm trở thành “tọa độ xanh” trên bản đồ thế giới

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với quyết tâm trở thành điểm đến xanh, "tọa độ xanh" trên bản đồ thế giới.

Sáng 3/6, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức phát động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường Thế giới (5/6) với thông điệp "Chung tay hành động vì Hà Nội xanh."

Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng với việc Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 được chính thức áp dụng (từ 1/1/2022). Đây là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhấn mạnh với sự đồng hành của các tổ chức và người dân, thành phố Hà Nội tiếp tục xây dựng, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thông qua Kế hoạch quản lý chất lượng không khí, Đề án phân loại rác tại nguồn, Đề án cải thiện và phục hồi các sông nội đô, nhiều chương trình, kế hoạch khác với quyết tâm trở thành điểm đến xanh, "tọa độ xanh" trên bản đồ thế giới.

Ông Nguyễn Trọng Đông kêu gọi các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước trên địa bàn và mỗi người dân Thủ đô hãy tham gia hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2022 và có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết là quận nằm ở trung tâm Thủ đô nên công tác bảo vệ môi trường luôn được Quận ủy, lãnh đạo quận xác định là nhiệm vụ trọng tâm và tiếp tục được quan tâm hàng đầu.

hanoi-xanh-1654395555.jpg
 

Ngày Môi trường Thế giới 5/6: Chung tay hành động vì Hà Nội xanh

Đặc biệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay của cộng đồng đã làm cho môi trường trên địa bàn quận có những chuyển biến tích cực trong cả nhận thức và hành động. Trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm được thành phố lựa chọn thí điểm thực hiện nhiều chương trình về bảo vệ môi trường và đều đạt kết quả cao như thí điểm việc xóa bếp than tổ ong; 100% trường mầm non, tiểu học trên địa bàn đã tham gia chương trình thu gom vỏ sữa học đường, qua đó giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các học sinh.

Hoàn Kiếm là quận đầu tiên triển khai thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn và chương trình "Xây dựng Trường học xanh-Vì một Hà Nội xanh"... Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chương trình phát động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm nay sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa, gồm việc ghi nhận, chia sẻ các mô hình và giải pháp xanh từ các cá nhân, tổ chức; tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo thu hút sự tham gia của công chúng để lan tỏa giải pháp bảo vệ môi trường.

Cũng trong khuôn khổ Tháng hành động vì môi trường (diễn ra từ ngày 15/5 đến 15/6) sẽ diễn ra các buổi tọa đàm, hội nghị, hội thảo trong nước, quốc tế nhằm phổ biến, giới thiệu và tìm kiếm các mô hình tiên tiến về bảo vệ tài nguyên, môi trường, giải pháp về giảm thiểu ô nhiễm và ứng phó với biến đổi khí hậu; hội thảo tham vấn các sở, ngành, các đơn vị liên quan về quy định loại bỏ việc sử dụng bếp than tổ ong, không đốt rơm rạ, đo kiểm khí xe máy…

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho hay những hoạt động thiết thực, hiệu quả này là minh chứng cho nỗ lực gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức, nhóm cộng đồng, trường học, doanh nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay vì một bầu trời Hà Nội xanh-sạch cho trẻ em và cộng đồng.

Tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng đang là vấn đề nan giải hiện nay. Trước thực trạng trên, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường như cải thiện chất lượng không khí, quản lý rác thải, giảm rác thải nhựa, sống xanh… cùng với sự tham gia tích cực của trường học, cộng đồng, doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị và tổ chức xã hội đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, triển khai thực hiện đo kiểm khí thải xe môtô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, từ ngày 12/11 đến ngày 19/12/2021, chương trình đã đo kiểm khí thải cho 5.240 xe máy lưu hành từ 5 năm trở lên. Người dân được kiểm tra khí thải xe máy miễn phí khi chủ động mang xe đến các trạm kiểm định; đồng thời, được các chuyên gia của các hãng tư vấn về tình trạng xe, giải pháp khác nhằm đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế phát thải gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe.

Đáng chú ý, với những nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận của nhân dân, tính đến hết tháng 12/2021, Hà Nội còn khoảng 316 bếp than tổ ong tại 30 quận huyện, giảm 99,42% so với khảo sát năm 2017. Lượng khí thải CO do sử dụng bếp than tổ ong tính đến tháng 12/2020 giảm 19.000 tấn so với năm 2017. Lượng bụi mịn (PM2.5) giảm 1,658 tấn/năm.

Bên cạnh đó, từ 2018 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp cùng Tổ chức Live & Learn và 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp kỹ thuật can thiệp giảm thiểu đốt rơm rạ, rác thải tại nhiều quận, huyện với nhiều chương trình được triển khai như giảm rác tại cộng đồng để giảm thiểu nguy cơ đốt rác tại địa phương.

Đặc biệt, chương trình xây dựng Trường học xanh - Vì một Hà Nội xanh đã được thu hút sự tham gia tích cực của nhà trường và học sinh với số lượng trường học tăng từ 30 trường tại 3 quận/huyện (theo kế hoạch dự kiến) lên 69 trường tại 4 quận, huyện. Chương trình đã tạo sự thay đổi tích cực trong công tác bảo vệ môi trường tại các trường học.

Kết quả khảo sát cho thấy các nhà trường đều ghi nhận ý nghĩa tích cực của chương trình và mong muốn lan tỏa mạnh mẽ hơn các hoạt động xây dựng trường học xanh. 100% các trường học đồng ý với các tiêu chí trong "Dự thảo khung tiêu chí trường học xanh"./.

Linh Khánh