Hà Nội - Phát triển sản phẩm OCOP từ nông nghiệp sạch

Thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện, mở hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của Thủ đô, trong đó có các sản phẩm OCOP, qua đó, nâng cao giá trị cho nông sản và tăng thu nhập cho nông dân…

Hà Nội - Giá trị từ nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ   

Tại Hà Nội, thời gian qua, nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ đã phát huy hiệu quả về giá trị kinh tế cho người dân, góp phần xây dựng thương hiệu nông nghiệp địa phương.

hn1-1675299048.jpg
Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ tại Hà Nội đã phát huy hiệu quả về giá trị kinh tế cho người dân  

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) Trịnh Thị Nguyệt cho biết, trong vụ mùa năm 2021, hợp tác xã sản xuất hơn 40ha lúa hữu cơ và được doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ sản phẩm ký hợp đồng liên kết thu mua với giá cao hơn từ 1,5 lần trở lên so với sản phẩm thông thường. Ngoài sản xuất lúa hữu cơ, hợp tác xã còn trồng đậu tương, khoai lang, khoai tây... hữu cơ. Hiện, sản phẩm gạo và đậu tương của hợp tác xã đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm Hà Nội.

Ngoài mô hình tại xã Đồng Phú của huyện Chương Mỹ đã phát triển thêm một số mô hình sản xuất hữu cơ hiệu quả. Điển hình là tại xã Nam Phương Tiến và thị trấn Chúc Sơn đã hình thành vùng sản xuất hữu cơ với nhiều loại cây trồng như lúa, rau, bưởi, dưa lưới… với quy mô hơn 70ha. "Chất lượng nông sản hữu cơ ngày một nâng lên, thương hiệu nông sản hữu cơ được định hình và có thị trường tốt", Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng khẳng định.

Tương tự, hiện nhiều mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ đã được triển khai tại các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên, Thạch Thất… gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP địa phương. Điển hình như tại huyện Đông Anh hiện có tới 50% hợp tác xã sản xuất rau truyền thống đã chuyển một phần diện tích từ sản xuất VietGAP sang hữu cơ và đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 2 điểm tại xã Thanh Văn và thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) mô hình thâm canh lúa theo hướng hữu cơ, quy mô 20ha. Cụ thể, 100% diện tích lúa sử dụng phân bón hữu cơ, áp dụng quy trình thâm canh cải tiến, lúa đẻ nhánh và trỗ tập trung. Tại các nơi thực hiện mô hình, yếu tố kỹ thuật đều bảo đảm. Quá trình sản xuất, diện tích lúa được sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học thay thế phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Chủ tịch UBND xã Thanh Văn Nguyễn Huy Oánh cho hay, với năng suất sản xuất theo hướng hữu cơ đạt 57,3 tạ/ha, vụ tới, xã tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất theo hướng này để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả. Đơn cử, từ tháng 4-2022, hộ gia đình ông Cao Xuân Trường ở thôn Cẩm Thủy (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã áp dụng mô hình chăn nuôi thủy sản an toàn theo hướng hữu cơ, VietGAP (1ha) nuôi cá chép, rô phi.

Theo ông Cao Xuân Trường, với sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ khuyến nông, hộ chăn nuôi tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi an toàn từ chăm sóc, quản lý, thu hoạch, hạn chế sử dụng kháng sinh đến sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình xử lý môi trường ao nuôi. Sau khi kiểm nghiệm đạt chuẩn an toàn, mô hình được cấp chứng nhận an toàn VietGAP, làm tiền đề để mô hình chuyển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tạo điều kiện cho sản phẩm thủy sản tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Thực tế hiện nay, sản phẩm chăn nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ có giá trị cao hơn so với chăn nuôi theo quy trình thông thường 10-20%, được người tiêu dùng tin tưởng.

Hình thành nền nông nghiệp an toàn bền vững

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thông tin, sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ là quá trình dài, đòi hỏi nhiều công đoạn khắt khe từ môi trường đất, nước, không khí đến quy trình chăm sóc của người dân. Do đó, đơn vị hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình khuyến nông VietGAP và theo hướng hữu cơ làm tiền đề để sau 3-5 năm sẽ xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn, chất lượng cao. Mục tiêu của các mô hình sản xuất an toàn VietGAP nhằm chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ cho nông dân để nhân rộng trong sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ.

Qua đó, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, nâng cao năng lực canh tác cho nông dân, tăng hiệu quả đơn vị diện tích trên đồng ruộng. Hơn nữa, so với sản xuất thông thường, các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn, an toàn, thân thiện với con người, môi trường...

hn2-1675299109.jpg
Các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn  

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, thay đổi thói quen chăn nuôi của bà con, sử dụng kháng sinh an toàn, đúng liều lượng nhằm xây dựng mô hình chăn nuôi thủy sản an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ. Việc áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn VietGAP, hữu cơ, giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thay thế bằng sản phẩm sinh học thảo dược thân thiện môi trường, tăng sức đề kháng cho vật nuôi và cung ứng cho thị trường sản phẩm chăn nuôi an toàn, bảo đảm chất lượng.

Để khuyến khích nông dân áp dụng trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có các chương trình hỗ trợ thông qua lồng ghép nguồn vốn chính sách nông nghiệp. Cùng với triển khai các dạng mô hình khuyến nông sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, chăn nuôi an toàn sinh học hữu cơ, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đang nỗ lực hỗ trợ kết nối cung - cầu nhằm mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, góp phần từng bước hình thành nền nông nghiệp an toàn bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô./.

 

Bài và ảnh: Kiệt Vũ