Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh cho biết, hiện nay các doanh nghiệp ở làng nghề gặp rất nhiều khó khăn, có rất ít doanh nghiệp lớn mà chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên cũng gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia không được nên hàng hóa tồn trong kho, khiến doanh nghiệp đọng vốn. Đặc biệt, mặt hàng mây tre đan, để lâu sẽ bị mốc, hỏng.
Hiện nay, Quang Vinh đang xuất khẩu sản phẩm đến gần 30 nước, mỗi nước có 4 - 5 khách hàng. Do xuất khẩu chính ngạch nên năm nay dù tác động của dịch COVID-19 nhưng doanh thu của doanh nghiệp có thể cao hơn năm ngoái. Mặc dù vậy, công ty cũng không có lãi vì phải chia sẻ với các nhà nhập khẩu do chi phí logistics quá cao. Việc chia sẻ này cũng vừa để giữ mối khách hàng vừa để duy trì công việc đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân, giữ chân thợ.
Theo nhận định của bà Hà Thị Vinh, dư địa phát triển thị trường thủ công mỹ nghệ còn rất dồi dào. Tiềm năng xuất khẩu của làng nghề Hà Nội là rất lớn. Tuy nhiên, luật quốc tế rất nghiêm ngặt, phải đảm bảo đủ điều kiện mới được xuất khẩu, do vậy nhà sản xuất nhỏ trong các làng nghề sẽ rất khó xuất khẩu.
Để phát triển làng nghề và ngành thủ công mỹ nghệ, bà Hà Thị Vinh cho rằng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại sau dịch COVID-19, nhất là tham gia các hội chợ nước ngoài.
Ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, qua khảo sát các doanh nghiệp làng nghề, khu vực sản xuất nhỏ, đặc biệt là khu vực tiểu thủ công nghiệp cho thấy, tình hình dừng sản xuất tương đối lâu của các hộ sản xuất, khiến chuỗi sản xuất có bộ phận bị ngưng trệ. Do đó, cần có các giải pháp thông suốt chuỗi tiêu thụ, duy trì được mối hàng của doanh nghiệp xuất khẩu, duy trì được sản xuất, tạo công ăn việc làm cho các doanh nghiệp làng nghề. Khôi phục sản xuất đi liền với phòng chống dịch.
Về các chính sách hỗ trợ, ông Ngô Quang Trung cho hay, đối với các chính sách đang có thì tiếp tục thực hiện. Cụ thể, chính sách hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp tham gia hội chợ trong và ngoài nước; đẩy mạnh liên kết các doanh nghiệp tháo gỡ tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tham mưu, đề xuất thêm các cơ chế chính sách mới, sát thực với tình hình thực tế tại các địa phương để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, các hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp làng nghề cũng cần có giải pháp, chiến lược kinh doanh tốt nhất đảm bảo phục hồi sản xuất cũng như đảm bảo chống dịch, đưa làng nghề ngày càng phát triển, thúc đẩy thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, bà Lan cũng đề nghị lãnh đạo địa phương có kế hoạch phù hợp, có động viên tinh thần sát thực nhất với hộ kinh doanh làng nghề, để phục hồi sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2021 cũng như định hướng kế hoạch năm 2022 của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung./.