Hà Nội huy động hơn 92.600 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Để thực hiện các mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ tập trung huy động các nguồn lực của nhà nước và xã hội để đầu tư cho Chương trình số 04 với tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 92.680 tỷ đồng, tăng 15% so với giai đoạn 2016-2020; trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư là 83.700 tỷ đồng; nguồn vốn huy động ngoài ngân sách là 8.980 tỷ đồng.
ntmjpg-1634897731.crdownload
Hà Nội huy động hơn 92.600 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa

Ngoài nguồn vốn trên, ngân sách thành phố sẽ bổ sung cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội hàng năm khoảng 400 tỷ đồng để cho vay lãi suất ưu đãi theo quy định đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại, người lao động thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đã đề ra nhóm các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; trong đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. 

UBND thành phố Hà Nội tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước; đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp; phát huy vai trò người đứng đầu.

Hà Nội sẽ rà soát, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng phù hợp với phát triển đô thị. Thành phố cũng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đồng thời, Hà Nội tiếp tục đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Văn phòng điều phối nông thôn mới từ thành phố đến cơ sở.
Hà Nội cũng sẽ tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp; trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm chủ lực của địa phương để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào sản xuất.
Hà Nội thực hiện hiệu quả Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng.
Thành phố triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường và an sinh xã hội, xây dựng miền quê đáng sống; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, Hà Nội khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn.
Đến năm 2025, thành phố phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.