Theo đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 453,9 nghìn lượt khách, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch nội địa ước đạt 1,35 triệu lượt khách, tương đương so với cùng kỳ năm 2022.
Dự kiến, 11 tháng năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 22,6 triệu lượt khách, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 4,1 triệu lượt khách, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch nội địa ước đạt 18,5 triệu lượt khách, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 84,25 nghìn tỷ đồng, tăng 58,4% với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê, tính đến tháng 11/2023, trên địa bàn Hà Nội có 3.758 cơ sở lưu trú du lịch với 71.016 phòng. Trong đó, có 605 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng từ 1- 5 sao với 26.411 phòng, chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 37% tổng số phòng.
Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn tháng 11/2023 ước đạt 53,2%; tăng 3,1% so với tháng 10/2023. Dự kiến 11 tháng đầu năm 2023 công suất trung bình khối khách sạn đạt 59,3%, tăng 23,1 % so với cùng kỳ năm 2022.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, từ nay đến hết tháng 12/2023, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu UBND Thành phố các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.
Sở sẽ tổ chức Chương trình kết nối sản phẩm du lịch Golf giữa TP. Hà Nội với các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2023. Tham mưu triển khai tổ chức Hội nghị "Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm du lịch huyện Mỹ Đức với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023" và tổ chức Đoàn trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh Lâm Đồng và tổ chức Hội thảo khoa học trong nhiệm vụ thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Thành phố: Giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP. Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong ngành du lịch Thủ đô. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội; tiếp tục thực hiện số hóa bằng giao diện ảnh 360o và các công nghệ mới tại các điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố;
Xây dựng phần mềm tiện ích, thông minh hỗ trợ công tác quản lý, phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin, quảng bá du lịch Hà Nội; phần mềm quản lý để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội; Số hóa, kết nối, tích hợp dữ liệu về du lịch vào hệ thống thông tin, dữ liệu quản lý chung theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nâng cấp trang thông tin điện tử du lịch Hà Nội.
“Để các hoạt động du lịch được lan tỏa, công tác truyền thông trước, trong và sau các sự kiện sẽ được quan tâm làm tốt hơn nữa trong thời gian tới nhằm thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh điểm đến Hà Nội”, bà Đặng Hương Giang cho biết thêm.