Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức lớn về giao thông và môi trường khi số lượng phương tiện trên địa bàn không ngừng gia tăng. Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện thành phố có hơn 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó khoảng 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy.
Ngoài ra, hơn 1 triệu phương tiện từ các tỉnh khác cũng thường xuyên lưu thông tại Thủ đô. Với tỷ lệ gia tăng phương tiện bình quân 5% mỗi năm, tình trạng ùn tắc và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, khí thải từ phương tiện giao thông chiếm tới 70% nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Các loại khí độc hại như CO, NO2, VOC cùng bụi mịn từ động cơ ô tô, xe máy đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, trong các giờ cao điểm, mức độ ô nhiễm hơi xăng dầu có thể tăng lên 4-5 lần so với bình thường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và cư dân sinh sống gần các trục đường chính.
Nhằm kiểm soát ô nhiễm không khí, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua quy định về vùng phát thải thấp, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Trước mắt, từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ thí điểm thiết lập vùng phát thải thấp tại một số khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, sau đó đánh giá hiệu quả để mở rộng mô hình này.
Các biện pháp chính trong vùng phát thải thấp bao gồm: Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông không phát thải hoặc thân thiện với môi trường, hạn chế lưu thông xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Một trong những bước đi quan trọng của Hà Nội là phát triển hệ thống giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch. UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6004/QĐ-UBND ngày 18/11/2024 về việc phê duyệt Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố với mục tiêu đến năm 2035, 100% xe buýt tại Hà Nội sẽ chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh.

Theo đó, lộ trình triển khai dự án sẽ là:
- Năm 2025: Chuyển đổi 103 xe buýt lớn chạy bằng diesel sang xe buýt điện, chiếm 5% tổng số phương tiện cần chuyển đổi.
- Giai đoạn 2026-2030: Dự kiến chuyển đổi 1.813 xe, đạt tỷ lệ 93,4% phương tiện sử dụng năng lượng sạch.
- Giai đoạn 2031-2035: Hoàn tất việc chuyển đổi với 238 xe buýt còn lại.
Bên cạnh việc "xanh hóa" xe buýt, các chuyên gia đề xuất Hà Nội cần cải thiện mạng lưới giao thông công cộng bằng cách mở rộng số lượng tuyến, tăng tần suất hoạt động và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, thành phố cần phát triển các vùng đệm chuyển tiếp giữa khu vực hạn chế phương tiện cá nhân và các khu vực lân cận để đảm bảo tính linh hoạt trong di chuyển.
Ngoài ra, Hà Nội có thể áp dụng các biện pháp kinh tế như thu phí vào vùng phát thải thấp, hạn chế dần phương tiện sử dụng xăng, dầu, tiến tới loại bỏ hoàn toàn trong tương lai. Chỉ khi vận tải hành khách công cộng bằng năng lượng sạch được phát triển mạnh mẽ và tiện lợi, người dân mới sẵn sàng từ bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường./.