Phục hồi Du lịch Hà Nội sau dịch Covid-19: Cần thay đổi trong việc xây dựng, quảng bá, quản lý tour theo hướng liên kết

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù nhiều tiềm năng nhưng du lịch Hà Nội chỉ đứng thứ 6 cả nước trong quá trình cạnh tranh thu hút khách. Vì vậy, muốn hút khách đòi hỏi ngành du lịch phải có sự thay đổi trong việc xây dựng, quảng bá, quản lý tour theo hướng liên kết giữa các địa phương, thế giới, trước mắt nên chú trọng xây dựng tour nghỉ dưỡng, MICE, khám phá, từ đó, thu hút lượng khách quốc tế ổn định.

Kể từ khi Chính phủ đồng ý mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, du lịch cả nước nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng đã từng bước phục hồi, tìm lại đà tăng trưởng. Ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm 2022 đón khoảng 65 triệu lượt khách, trong đó có 60 triệu lượt khách nội địa và 5 triệu lượt khách quốc tế. Đáng mừng, chỉ đến tháng 8/2022, tổng số khách du lịch nội địa của cả nước đã đạt khoảng 79,8 triệu lượt, cao hơn 19,8 triệu lượt so với mục tiêu đề ra.

Thị trường khách du lịch nội địa đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và đã phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, vấn đề gặp khó khăn hiện nay của ngành Du lịch Hà Nội nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung là lượng khách du lịch quốc tế còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Tại Hà Nội, thành phố cũng đặt mục tiêu năm nay sẽ đón và phục vụ từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế.

tran-quoc-1666636489.jpg
Chùa Trấn Quốc. Ảnh: Hoàng Thắng

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch tại tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch Covid-19” do báo Hà Nội Mới và Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức chiều ngày 24/10, mặc dù nhiều tiềm năng nhưng du lịch Hà Nội chỉ đứng thứ 6 cả nước trong quá trình cạnh tranh thu hút khách. Vì vậy, muốn hút khách đòi hỏi ngành du lịch phải có sự thay đổi trong việc xây dựng, quảng bá, quản lý tour theo hướng liên kết giữa các địa phương, thế giới, trước mắt nên chú trọng xây dựng tour nghỉ dưỡng, MICE, khám phá, từ đó, thu hút lượng khách quốc tế ổn định.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, để làm được điều này đòi hỏi cơ quan quản lý như đẩy mạnh phối kết hợp trong xây dựng quy hoạch du lịch theo hướng mở rộng, không bó hẹp từng địa phương. Đặc biệt, ngành du lịch cần đẩy mạnh quảng bá các tour, điểm du lịch đến tới du khách quốc tế, từ đó, hỗ trợ các điểm du lịch thu hút du khách.

Chính vì vậy, Hà Nội cần tiếp tục phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng về hạ tầng, về văn hóa, hệ thống di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực…; đồng thời, sẵn sàng các phương án thay đổi trong quá trình làm du lịch hậu Covid-19 về cả sản phẩm, công tác tiếp thị, quy trình quản lý... Cần chú trọng tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa, tâm linh, lịch sử, khám phá; hay các sản phẩm du lịch gắn kết với nông nghiệp, hệ thống làng nghề, phố nghề, mua sắm; hoặc sản phẩm du lịch ban đêm; tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô, tạo ra các chuỗi sản phẩm đặc sắc.
Đặc biệt, cần thay đổi tư duy trong việc phát triển du lịch kết hợp bảo vệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, không thể không kể đến vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ công tác quảng bá du lịch, điểm đến- ông Phong nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, để tăng thêm lượng khách quốc tế trong thời gian tới, việc xây dựng sản phẩm du lịch rất quan trọng. Sở Du lịch Hà Nội sẽ cùng các đơn vị, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực, làng nghề có sẵn, như tour du lịch Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, làng cổ Đường Lâm… Trong đó, tăng cường những sản phẩm mới như tour đêm, tour du lịch mùa lúa chín, du lịch khinh khí cầu, du lịch thể thao…

Đồng thời, Sở cũng sẽ mở lớp tập huấn cho nhân lực du lịch địa phương để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Sở sẽ rà soát các cơ sở lưu trú hiện tại bị xuống cấp để hỗ trợ các đơn vị có động lực tiếp tục nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm mới. Bên cạnh đó, Sở tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch trên các nền tảng báo chí, mạng xã hội trong nước và quốc tế…

Là một địa phương có nhiều sản phẩm du lịch, ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, huyện Ba Vì đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tạo đà tăng trưởng cho du lịch địa phương, như xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn; tổ chức khai trương năm du lịch; tăng cường thông tin, quảng bá trên báo, đài… góp phần nhanh chóng mang lại những khởi sắc cho du lịch sau đại dịch. Đến nay, lượng khách tham quan trở lại với Ba Vì đã ghi nhận 1,9 triệu lượt người. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2022, lượng khách sẽ vượt con số 2 triệu lượt người.

Để đạt được mốc này, Ba Vì xác định tiếp tục thúc đẩy du lịch địa phương thông qua xây dựng mô hình du lịch homestay, tổ chức tọa đàm tìm kiếm sáng kiến, giải pháp cho mô hình này ngày một hấp dẫn, có màu sắc riêng hơn. Huyện cũng xác định khó khăn lớn nhất hiện giờ của du lịch địa phương là về sản phẩm du lịch và vấn đề nhân lực. Chính vì vậy, việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, tận dụng nguồn nhân lực ngay trong nhân dân sẽ là giải pháp ứng phó phù hợp cho giai đoạn này.

Hương Lan (t/h)