Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp kích cầu tiêu dùng

Theo các chuyên gia kinh tế, với đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng góp phần phục hồi kinh tế sau dịch bệnh nhưng phải có giải pháp để đảm bảo người tiêu dùng được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế này.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc giảm thuế này sẽ giúp kéo giá thành sản phẩm, dịch vụ giảm theo sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đây là chính sách cần thiết nhằm vực dậy nền kinh tế đang khó khăn do dịch COVID-19.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn. Song để người tiêu dùng được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế này cần phải có giải pháp đảm bảo hàng hóa, dịch vụ có mức giảm bằng với mức giảm thuế giá trị gia tăng. Cùng với đó, khi mua hàng hóa, dịch vụ ở siêu thị hay những đơn vị có xuất hóa đơn, người tiêu dùng sẽ được giảm thuế trực tiếp trên hóa đơn mua hàng.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, mới đây, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV và đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có quy định một số chính sách miễn, giảm thuế.

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Chính phủ về nghị định quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Theo dự thảo, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% sẽ được giảm 2 điểm %, còn 8%.

Dự thảo cũng quy định một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế giá trị gia tăng là viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, hóa chất và sản phẩm hóa chất; các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

thue-1642506302.jpeg
Hoạt động tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Dự kiến, quy định này có hiệu lực từ ngày 1/2 – 31/12/2022. Bộ Tài chính ước tính ngân sách năm 2022 sẽ giảm cho phần thuế giá trị gia tăng là 49.400 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Qua đó, có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Bộ Tài chính cho rằng việc xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ sẽ bám sát các nội dung quy định của Nghị quyết, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan, đồng thời cũng đảm bảo nguyên tắc đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và phủ hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; phù hợp với xu thế chung của thế giới trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm sớm phục hồi và phát triển kinh tế.

Bộ Tài chính cho biết, để khắc phục và bù đắp các tác động ngân sách trong ngắn hạn cũng như chủ động trong dự toán ngân sách, Bộ sẽ phối hợp các bộ, ngành và địa phương chú trọng triển khai hiệu quả các Luật thuế, tiếp tục cải cách hiện đại hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quyết liệt quản lý thu, chống thất thu thuế..../.