Người tiêu dùng và doanh nghiệp Nhật Bản đối mặt với cú sốc tăng giá hàng hóa

Người tiêu dùng và các doanh nghiệp Nhật Bản đang phải đối mặt với cú sốc tăng giá đối với mọi thứ, từ cà phê, thịt bò và hàng loạt mặt hàng, vốn giá cả hầu như không "nhúc nhích" trong nhiều thập kỷ giảm phát của nước này.
nhat-ban-nguoi-tieu-dung-thiet-hai-lon-vi-covid-19-nhung-nen-kinh-te-da-thoat-khoi-dam-may-den-1634228567.jpg
Người tiêu dùng và doanh nghiệp Nhật Bản gặp cú sốc vì hàng hóa tăng giá

Lạm phát tiêu dùng lõi của Nhật Bản - không bao gồm giá thực phẩm tươi sống - chỉ ngừng suy giảm vào tháng Tám vừa qua, kết thúc đợt giảm phát kéo dài 12 tháng qua. Các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản dự kiến đà tăng giá gần đây sẽ được phản ánh trong dữ liệu chính thức về lạm phát trong những tháng tới.
Mặc dù lạm phát của Nhật Bản vẫn đang ở mức khiêm tốn so với tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng chi phí nguyên liệu thô tăng cao đã khiến các doanh nghiệp nước này gần như không thể cưỡng lại được việc tăng giá bán buôn, điều mà họ thường hạn chế thực hiện do sợ thua lỗ. Đối với những người Nhật Bản trẻ tuổi, việc giá cả hàng hóa tăng đột biến là một bất ngờ lớn, đặc biệt là khi các hộ gia đình, người lao động và doanh nghiệp phải "vật lộn" để thoát khỏi ảnh hưởng kinh tế từ đại dịch.
Nhà sản xuất các sản phẩm sữa Meiji Holdings đã tăng giá bơ thực vật lên tới 12,8%, lần tăng đầu tiên kể từ năm 2008, trong khi những công ty thực phẩm khác cũng đã tăng giá các dòng sản phẩm chính của họ lần đầu tiên sau nhiều năm. Mặc dù không i được người tiêu dùng hoan nghênh, nhưng xu hướng này có thể bắt đầu thúc đẩy cách người Nhật nhận thức về giá mà họ phải trả cho các mặt hàng chủ lực. Nozomi Yuasa, 28 tuổi, cho biết: “Có vẻ như giá của một số mặt hàng thiết yếu tại Nhật Bản đã ở mức thấp quá lâu so với các nước khác”.
Cuộc khảo sát kinh doanh Tankan hàng quý của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trong tháng này cho thấy, nhiều công ty Nhật Bản đang phải đối mặt với chi phí đầu vào cao hơn, nhưng cũng chứng kiến sự tăng giá mà họ tính sang cho khách hàng. Mặc dù thúc đẩy giá tiêu dùng trì trệ là mục tiêu chính của BoJ trong nhiều năm qua, với chiến lược là nhằm kích thích nhu cầu, song lạm phát gây ra bởi nguồn cung hạn chế lại không được BoJ chờ đón, đặc biệt nếu không phù hợp với tiến trình tăng lương cơ bản cho người lao động.
Nhận thức được mức độ nhạy cảm của các hộ gia đình đối với việc tăng giá, một số doanh nghiệp đã thận trọng hơn. Aeon Co Ltd, nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản tính theo doanh số, cho biết họ sẽ không tăng giá khoảng 3.000 sản phẩm thuộc thương hiệu Topvalu của riêng mình trong năm nay, thay vào đó tìm cách giữ giá thấp một phần bằng cách mua số lượng lớn.