Nâng cao nhận thức cho thanh niên về giảm phát thải khí mê-tan

Ngày 3/12, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm phát thải khí mê-tan. Đối tượng là thanh niên, sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP. Hà Nội.
tin1-1733218637.jpg
Bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, nghiên cứu của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu chỉ ra rằng, mức tăng nồng độ khí mê-tan (CH4) trong khí quyển là tác nhân thứ hai sau khí CO2 gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu. Khí mê-tan chiếm khoảng 17% tổng lượng phát thải khí nhà kính, và đóng góp mức tăng 0,3 độ C trong 1,1 độ C mức tăng nhiệt độ toàn cầu thời gian qua.

Tại Việt Nam, khí mê-tan phát thải từ các hoạt động canh tác lúa, chăn nuôi, đốt các sản phẩm sinh khối (rơm, rạ), bãi chôn lấp rác thải rắn, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học, đốt chất thải, xử lý và xả thải nước thải, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, phát tán từ nhiên liệu (than, dầu và khí). Theo số liệu kiểm kê, tổng lượng phát thải khí mê-tan phát thải năm 2020 tại Việt Nam là 113,2 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ).

tin-12-1733218637.jpg
Thanh niên, sinh viên từ các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các báo cáo viên đã chia sẻ về nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam; các quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng “0”; phát triển thị trường các-bon trên thế giới và các quy định pháp luật về phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam; việc triển khai các cam kết của Việt Nam về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để giải quyết các khó khăn, thách thức trong quản lý phát thải khí mê-tan, giải pháp hiện nay tập trung vào ứng dụng công nghệ phát hiện tiên tiến như sử dụng hình ảnh vệ tinh, máy bay không người lái và thiết bị phát hiện rò rỉ di động để xác định rò rỉ khí mê-tan hiệu quả hơn.

Tại Hội thảo, các bạn thanh niên, sinh viên đã đặt nhiều câu hỏi tới báo cáo viên để làm rõ thêm về chính sách hỗ trợ của Nhà nước liên quan đến phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, vai trò của khoa học công nghệ trong ứng phó biến đổi khí hậu, các giải pháp tài chính xanh thúc đẩy hoạt động giảm phát thải khí nhà kính...

Cùng với giải đáp thắc mắc, các báo cáo viên cũng làm rõ thêm xu thế bắt buộc sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững, giảm phát thải, nhằm đáp ứng các quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ trong thời gian tới./.

Đông Nghi