Giải pháp then chốt bảo vệ lợi ích doanh nghiệp

Bộ Công Thương cho biết, năm 2022, việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại tiếp tục được xác định là một trong những giải pháp then chốt để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất và mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Theo Bộ Công Thương, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại là một trong những giải pháp để chủ động bảo vệ lợi ích chính đáng của nền kinh tế, của các ngành sản xuất và mỗi doanh nghiệp.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, việc triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại đã có bước tiến rõ nét. Đặc biệt, việc triển khai các đề án, chương trình lớn đã mang lại hiệu quả, thể hiện qua số lượng vụ việc Việt Nam khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đã gia tăng nhanh chóng.

Trên cơ sở các kết quả điều tra, hiện tại 16 biện pháp phòng vệ thương mại đang tiếp tục được Bộ Công Thương duy trì áp dụng.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng với hàng nhập khẩu hiện đang bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chiếm gần 6% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam tính theo GDP năm 2019 và việc làm của hàng trăm nghìn lao động.

Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp phòng vệ thương mại trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài đối với các ngành sản xuất.

nang-cao-nang-luc-phong-ve-thuong-mai-bai-cuoi-nhan-thuc-yeu-to-then-chot-1622525463-0-1644312586.jpeg
Ảnh minh hoạ

Trong nhiều trường hợp, việc áp dụng phương thức này cũng giúp tăng khả năng tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời làm giảm nguy cơ Việt Nam bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đã chủ động và bảo vệ được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.

Đề cập kế hoạch hành động về phòng vệ thương mại năm 2022, ông Lê Triệu Dũng khẳng định, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục theo sát và thực hiện các hoạt động này trên cơ sở yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, để ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định pháp luật và cam kết quốc tế.

Cùng với đó, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tập trung triển khai Đề án "Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới"; tăng cường thông tin, kiến thức về các biện pháp này cho doanh nghiệp, các ngành sản xuất trong nước./.