Giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa

Việc tận dụng được mặt nước từ các hồ chứa cùng với việc đầu tư bài bản, khoa học sẽ giúp hoạt động nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong lòng hồ phát triển mạnh mẽ.
nuoi-ca-long-anhr-thumb-1698480299.jpg
Giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa. Ảnh minh họa

Tại Hội nghị Phát triển kinh tế thủy sản hồ chứa, theo thống kê của Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, cả nước hiện có hơn 1.200 hồ chứa có hoạt động nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ. Cả nước có 13 hồ chứa với diện tích trên 5.000ha. Tại 23 tỉnh có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa hiện có hơn 29.000 lồng nuôi cá. Sản lượng nuôi trồng thủy sản hồ chứa 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 36.400 tấn (đạt 102% so với cùng kỳ và 100% kế hoạch đề ra).

Việc tận dụng được mặt nước từ các hồ chứa cùng với việc đầu tư bài bản, khoa học sẽ giúp hoạt động nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong lòng hồ phát triển mạnh mẽ. Từ đó, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm, đảm bảo an ninh dinh dưỡng, phát triển du lịch, gia tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là đồng bào miền núi.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển thủy sản hồ chứ, như: Công tác tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký của chính quyền một số địa phương còn chậm. Nhiều cơ sở nuôi trồng thuỷ sản chưa có hợp đồng cho thuê đất/mặt nước để sản xuất theo quy định...

Bên cạnh đó, thủy sản hồ chứa cũng đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá. Hầu hết các hồ chứa chưa có hệ thống điện phục vụ cho nuôi cá thâm canh và bán thâm canh. Có rất ít nhà máy chế biến sản phẩm thủy sản từ hồ chứa. Đa số sản phẩm thủy sản của hồ chứa được tiêu thụ tươi sống hoặc một phần cấp đông. Chưa có sự liên kết theo chuỗi giá trị, nên phần lớn sản phẩm tiêu thụ qua các chợ nhỏ lẻ, giá bán bấp bênh.

Vì vậy, để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè, nhiều chuyên gia tại hội nghị cho rằng, ngành cần rà soát lại các vùng nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa đảm bảo không chồng lấn, mâu thuẫn với các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và du lịch khác. Giải tỏa, sắp xếp lại lồng, bè nuôi trồng thủy sản đúng số lượng quy hoạch, không để tự phát thả nuôi vượt quá quy định, vượt quá sức tải, ảnh hưởng đến môi trường.

Mặt khác, tổ chức lại sản xuất theo hướng đa dạng hóa mô hình tổ chức sản xuất, khuyến khích các mô hình liên kết, liên doanh giữa người sản xuất nguyên liệu với các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng... theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Đồng thời, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, thị trường; nâng cao năng suất, chất lượng, thân thiện với môi trường sinh thái, hướng tới các tiêu chuẩn nuôi cá có trách nhiệm và tăng giá trị, lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các cơ sở nuôi cá lồng bè...

Hương Lan